17/04/2021
Giảm hại và Điều trị Nghiện
Cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày: khi giấc mơ trở thành hiện thực
Cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày: khi giấc mơ trở thành hiện thực

Vào ngày 5/4, Thí điểm cấp phát thuốc methadone nhiều ngày đã chính thức được triển khai tại Điện Biên, Lai Châu và Hải Phòng. Vậy là sau một thời gian dài vận động và chuẩn bị, đề án đã bắt đầu với những bệnh nhân đầu tiên – đây chính là giấc mơ ấp ủ của SCDI, và của người bệnh điều trị methadone nói chung.

Ảnh 1: Lễ khởi động triển khai Thí điểm cấp phát thuốc methadone nhiều ngày tại Lai Châu.

Thách thức đặt ra với việc đi uống thuốc methadone nhiều ngày

Cho đến nay, methadone vẫn được các Tổ chức Quốc tế coi là giải pháp tối ưu trong điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện. Tại Việt Nam, điều trị nghiện bằng methadone đã được triển khai từ năm 2008. Tính đến 31/12/2020, cả nước có 52.725 bệnh nhân đang điều trị ở 336 cơ sở methadone tại 63 tỉnh/thành phố. Hiệu quả điều trị được minh chứng rõ ràng: giúp người bệnh giảm và tiến tới ngừng sử dụng ma túy, cải thiện sức khỏe (giảm lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu, nâng cao thể lực) và nâng cao chất lượng cuộc sống, bước đầu xây dựng niềm tin với gia đình, cộng đồng.

Tuy nhiên, việc điều trị methadone đã bộc lộ một số hạn chế. Người bệnh phải đến cơ sở y tế hàng ngày trong nhiều năm. Khoảng cách xa là rào cản để bệnh nhân tuân thủ điều trị. Đặc biệt ở những tỉnh miền núi, tình trạng bỏ trị vẫn còn phổ biến. Theo nghiên cứu của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, những bệnh nhân ở xa cơ sở điều trị methadone từ 5km trở lên có tỷ lệ bỏ trị cao gấp ba lần. Ngoài ra, một số người có công việc trong giờ hành chính, hoặc lái xe, ngư dân,… đăc thù công việc thường xuyên phải di chuyển, họ không thể bỏ việc để đi uống thuốc mỗi ngày. Dịch Covid-19, giãn cách xã hội cũng cho thấy việc đi uống thuốc hàng ngày tồn tại nhiều bất cập. Phải chăng đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến số người từng điều trị và ra khỏi chương trình lớn, và tỷ lệ tiếp cận, tuân thủ điều trị là rất khác nhau giữa các khu vực?

Trong những năm vừa qua, nhiều giải pháp đã được triển khai để mở rộng và tăng số người tiếp cận điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone như giảm các điều kiện và thủ tục tham gia điều trị, thành lập các điểm cấp phát thuốc methadone tại trạm y tế xã cho người bệnh ổn định và tuân thủ điều trị tốt. Tuy nhiên, số người bệnh tham gia điều trị vẫn không tăng, do số bệnh nhân bỏ trị tăng nhanh hơn số bệnh nhân mới. Do vậy, để giảm tỷ lệ bỏ trị vì rào cản này, Đề án thí điểm cấp phát thuốc methadone nhiều ngày đã được xây dựng và đưa vào triển khai.

Mang methadone về nhà – Hy vọng và thách thức

Mang methadone về nhà là ấp ủ của SCDI trong suốt nhiều năm, cùng với đó là rất nhiều nỗ lực. Từ kết nối, thu thập ý kiến của các nhóm cộng đồng người sử dụng ma túy, đến tham gia vào nhóm kỹ thuật mang methadone về nhà suốt một năm cùng với WHO, vận động các tổ chức, ban ngành,... SCDI rất tự hào và vui mừng khi đã đóng góp công sức để đề án được xây dựng và triển khai. 

Việc cấp phát thuốc methadone nhiều ngày sẽ giúp bệnh nhân giảm được thời gian đi lại, giảm các chi phí liên quan, tạo điều kiện cho việc tiếp cận, điều trị và điều trị liên tục. Bệnh nhân có nhiều thời gian dành cho công việc và cuộc sống hơn, ... nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay. Giờ đây, với Đề án cấp phát thuốc methadone nhiều ngày, người bệnh đã có cơ hội điều trị bệnh của mình như một bệnh lý mạn tính - nhận thuốc định kỳ, để có cuộc sống bình thường, hòa nhập hoàn toàn với xã hội và có thể vĩnh viễn đoạn tuyệt với ma túy. 

Ảnh 2: Mang methadone về nhà giúp người bệnh giảm chi phí, có nhiều thời gian hơn dành cho bản thân và gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống. 

Anh Đặng Như Tuấn, bệnh nhân đang điều trị methadone tại Lê Chân, Hải Phòng tâm sự: "Nếu như nói methadone là phao cứu sinh thì chương trình Mang thuốc Methadone nhiều ngày về nhà là con tàu cứu hộ. Vì có chương trình này, cuộc đời tôi sau này cũng như của các bệnh nhân đang điều trị methadone hứa hẹn sẽ có nhiều khởi sắc, nhiều hy vọng tốt đẹp về một tương lai. Một tương lai mà chúng tôi có thể đi làm các công việc phù hợp với bản thân, một tương lai mà chúng tôi có thể thực hiện sự hiếu đạo với gia đình khi có thể tham gia đầy đủ các việc như: hiếu hỉ, các sự kiện trọng đại của gia đình, của họ tộc,... Một tương lai mà cơ hội giao lưu bạn bè, thăm quan du lịch, nâng cao chất lượng cuộc sống, hoàn thiện bản thân. Một tương lai mà chúng tôi biết rằng mình sẽ gắn bó với methadone lâu dài và cũng có thể là trọn đời... mà không cần phải lo lắng sẽ bị nhỡ liều, mệt mỏi do chưa kịp đến uống thuốc, sẽ có nguy cơ tái sử dụng lại ma túy khi quên thuốc". Niềm vui mừng không giấu nổi khi anh là một trong những người đầu tiên được lựa chọn mang thuốc methadone về nhà ở Hải Phòng. 

Không chỉ với người bệnh, đề án cũng giúp giảm tải công việc, giảm áp lực và gánh nặng của cán bộ y tế tại cơ sở điều trị methadone. Các nhân viên y tế có thời gian để nâng cao chất lượng dịch vụ và có thể tham gia các công việc khác của cơ sở y tế.

Đối tượng được thí điểm đề án mang methadone về nhà trong giai đoạn 2021-2022

Đề án Cấp thuốc methadone nhiều ngày quy định rất rõ quy trình và đối tượng tham gia. Những bệnh nhân đủ tiêu chuẩn như đã ổn định liều, tuân thủ điều trị tốt, xét nghiệm nước tiểu không có ma túy, tuân thủ nội quy của cơ sở... có thể cấp thuốc mang về trong vòng 1-6 ngày. 

Trong giai đoạn 2021-2022, tổng số người được lựa chọn tham gia vào đề án thí điểm là 2000 người, tại Hải Phòng có 720, Lai Châu có 500 và Điện Biên có 780 người. Với những người đã được tham gia chương trình cấp thuốc nhiều ngày, cần tiếp tục tuân thủ điều trị và tuân thủ các quy định của ngành y tế để tham gia chương trình lâu dài. Đề án cũng tố chức thành nhiều giai đoạn, đại đa số bệnh nhân sẽ được tham gia mang thuốc về nhà. Việc cấp thuốc cho bệnh nhân mang về còn được coi như là "phần thưởng" cho những ai tuân thủ điều trị tốt,. giúp các bệnh nhân khác phấn đấu thay đổi hành vi tích cực và tuân thủ điều trị, như là một trong các điều kiện để mang methadone về sử dụng.

Ảnh 3: Bệnh nhân đủ tiêu chuẩn sẽ được lựa chọn tham gia vào đề án trong giai đoạn 2021-2022

Để đề án thí điểm Cấp phát thuốc methadone nhiều ngày được triển khai thuận lợi, cần rất nhiều nỗ lực và chung tay của các ban ngành, địa phương cũng như cơ sở cấp phát thuốc. SCDI đã, đang và sẽ tham gia vào quá trình triển khai đề án với vai trò kỹ thuật, cố vấn cho các nhóm cộng đồng. Đồng thời, SCDI sẽ tiến hành giám sát dựa vào cộng đồng, hỗ trợ tuân thủ điều trị và quan trọng là xử lý sốc thuốc. Ngoài ra, SCDI cũng tài trợ 150.000 lọ đựng thuốc methadone cho đợt thí điểm này, mỗi tỉnh 50.000 lọ. 

Chương trình cấp phát thuốc methadone nhiều ngày mở ra nhiều hy vọng , và cũng biến ước mơ của biết bao bệnh nhân thành hiện thực. Đề án thí điểm được triển khai và đánh giá hiệu quả, từ đó làm bằng chứng vững vàng cho việc mở rộng cấp phát thuốc methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện tại các tỉnh, thành phố khác trên cả nước trong tương lai. 

Bài viết: Anh Cao

Bài viết liên quan