Ngày 21/03/2025, Bệnh viện Phổi Hải Phòng đã phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng chống lao năm 2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 và lễ mít tinh hưởng ứng ngày thế giới phòng chống lao (24/3). Hoạt động có sự tham gia của PGS.TS Lê Minh Quang – Giám đốc Sở y tế Hải Phòng, BSCKII Vũ Ngọc Trường – Giám đốc bệnh viện phổi Hải Phòng, đại diện SCDI và đại điện các Trung tâm y tế các quận, huyện, các bệnh viện đa khoa.
Ảnh: PGS.TS Lê Minh Quang – Giám đốc Sở y tế Hải Phòng - phát biểu tại hội nghị
Ảnh: BSCKII Vũ Ngọc Trường – Giám đốc bệnh viện phổi Hải Phòng - phát biểu tại hội nghị
Hải Phòng có dân số khoảng hơn 2 triệu dân, dịch tễ ở mức trung bình so với cả nước. Hàng năm, có khoảng 1.600 người mắc lao các cá thể được phát hiện trên toàn thành phố, đạt hơn 90% so với kế hoạch và khoảng 60-65% so với dịch tễ, trong đó 85-90% số bệnh nhân lao được thu nhận điều trị thành công.
Trong năm 2024, tổng số người mắc lao các thể thu nhận trên địa bàn thành phố là 1.565 người, trong đó có 1.129 người mắc lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học, tỷ lệ mắc lao trên dân số là 72/100.000 dân và tỷ lệ phát hiện bệnh nhân mới có vi khuẩn học đạt 108%. Cũng trong năm vừa qua, số bệnh nhân lao kháng thuốc được phát hiện là 49 bệnh nhân, số bệnh nhân đồng nhiễm lao và HIV là 47 bệnh nhân.
Ngoài ra, một số khó khăn trong công tác phòng chống lao tại địa phương cũng được đề cập tại hội nghị như việc quản lý điều trị bệnh nhân lao, đặc biệt là lao kháng thuốc, còn gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ bỏ trị còn ở mức cao so với trung bình cả nước; và hoạt động phát hiện lao ở trẻ em còn gặp nhiều hạn chế, dẫn đến số ca lao trẻ em được phát hiện còn thấp.
SCDI đã và đang đồng hành cùng Bệnh viện Phổi Hải Phòng, trở thành một đối tác quan trọng trong cuộc chiến chống bệnh lao tại địa phương. Sự phối hợp chặt chẽ giữa SCDI và Bệnh viện Phổi Hải Phòng đã mang lại những kết quả đáng khích lệ: Tiếp cận và sàng lọc cho những người thuộc nhóm nguy cơ, đưa họ đến với các dịch vụ y tế kịp thời; triển khai các can thiệp dựa vào cộng đồng, hướng tới mục tiêu thanh toán bệnh lao ở người tiêm chích ma túy tại Hải Phòng qua dự án Drive-TB; hỗ trợ nâng cao nhận thức và kỹ năng về truyền thông, tư vấn, chuyển gửi… cho các tổ chức dựa vào cộng đồng (CBOs), giúp họ trở thành lực lượng vững mạnh ngay tại địa phương; xây dựng một mạng lưới kết nối giữa bệnh viện, các tổ chống lao và các nhóm cộng đồng, đảm bảo người bệnh được hỗ trợ toàn diện.
Ảnh: Bà Nguyễn Thị Hà - Điều phối Văn phòng SCDI vùng Duyên hải - chia sẻ tại hội nghị
SCDI hiểu rằng, để chấm dứt bệnh lao, chúng ta cần sự tham gia tích cực của từng cá nhân, từng gia đình, từng tổ chức trong cộng đồng. Trên tinh thần những thành tựu và kinh nghiệm từ các hoạt động phòng chống lao trong năm 2024, SCDI cam kết sẽ tiếp tục là cầu nối giữa cộng đồng và các cơ quan y tế, cùng nhau lan tỏa thông điệp, nâng cao nhận thức, và hỗ trợ bệnh nhân lao.