Lao là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và hiện căn bệnh này vẫn ảnh hưởng rất nặng nề tới sức khỏe và kinh tế người dân toàn cầu, nhất là tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Trong thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực dùng nhiều biện pháp nhằm hạn chế tác động tiêu cực của bệnh lao, giảm số ca mắc, tử vong do lao, tiến tới thanh toán bệnh lao vào năm 2035. Trong nỗ lực chung ấy đang có sự chung tay của Mạng lưới cộng đồng phòng chống lao (CSET), một sáng kiến của Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI).
CSET được thành lập vào năm 2021, hoạt động với sứ mệnh hỗ trợ cộng đồng bị ảnh hưởng bởi lao nhằm tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh lao chất lượng, đóng góp vào mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam. CSET là những người sống tại địa phương, có nhiều kinh nghiệm tham gia các hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng và phòng ngừa các bệnh lây nhiễm. Tại Đắk Lắk, mô hình này được triển khai tại 2 huyện Krông Pắk và Ea H’Leo từ đầu năm 2024 và hiện đã có 28 người tham gia, bước đầu đã có những kết quả tích cực. Trong năm 2024, mạng lưới CSET hai huyện này đã hỗ trợ cho 67 bệnh nhân lao trong tiếp cận và tuân thủ điều trị bệnh, trong đó 40 trường hợp đã hoàn thành điều trị.
Bà Nguyễn Thị Hoài Thương, đại diện SCDI tại Đắk Lắk cho biết mô hình CSET hỗ trợ điều trị toàn diện cho bệnh nhân lao bao gồm: Truyền thông nâng cao nhận thức của người dân để cải thiện thực hành khám chữa bệnh lao; hỗ trợ xã hội như mua Bảo hiểm y tế, hỗ trợ dinh dưỡng và chi phí cho bệnh nhân khó khăn; hỗ trợ người bệnh tiếp cận và tuân thủ, hoàn thành điều trị; phản hồi để cải thiện chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh lao tại địa phương.
Theo bác sĩ Châu Đương, Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh Đắk Lắk, việc phát hiện bệnh nhân lao tại cộng đồng đã khó vì sự kì thị của xã hội mà để bệnh nhân chấp nhận, tuân thủ điều trị lại càng khó hơn. Nguyên nhân là do thuốc chữa lao phải dùng trong thời gian dài, từ 6 tháng, 8 tháng, thậm chí 1 năm đến 2 năm đối với lao kháng thuốc. Thuốc lại phải dùng kết hợp nhiều loại gây nên tác dụng phụ là bệnh nhân mệt mỏi, chán ăn, do đó rất nhiều trường hợp đã bỏ dở việc điều trị. Thêm nữa, bệnh nhân lao có sức khỏe yếu, năng suất lao động giảm trong khi chi phí chữa bệnh cao, nếu người bệnh không có bảo hiểm y tế thì đây là một khoản chi trả khá lớn đối với kinh tế gia đình, đặc biệt là những người có thu nhập thấp. Bỏ trị đồng nghĩa với việc bệnh nặng, suy kiệt và tử vong. Nguy hiểm hơn, đây sẽ là nguồn lây cho cộng đồng.
Những khó khăn này vẫn đang là thách thức lớn trong công cuộc phòng chống lao tại tỉnh Đắk Lắk. Do đó, tiếp cận, hỗ trợ người bệnh lao tuân thủ điều trị để đi đến thành công là một hoạt động quan trọng nhằm góp phần hạn chế nguồn lây lao trong cộng đồng. Tuy nhiên, công việc này rất nan giải, đòi hỏi những thành viên của CSET phải thật sự yêu công việc, thương người bệnh như chính người thân của mình.
Câu chuyện của chị Phạm Thị Thảo Tâm, CSET huyện Ea HLeo đã khiến cho nhiều người xúc động và trân quý. Xuất phát từ việc ông ngoại từng bị bệnh lao, bị mọi người, kể cả gia đình xa lánh, kì thị, chị Tâm đã xung phong tham gia CSET tại địa phương ngay khi Trạm trưởng Trạm Y tế xã vừa ngỏ lời. "Hồi đó em đang học cấp ba, ông ngoại em bị lao, mọi người lớn trong nhà đều cấm các cháu đến gần ông, mỗi khi ông ho là tụi em chạy bán sống bán chết. Thấy tội nghiệp ông lắm. Em nghĩ đến những người thân còn xa lánh, không giúp đỡ ông thì làm sao ông vượt qua được bệnh tật. Vậy nên em tình nguyện tham gia mạng lưới này. Thực sự không phải vì tiền, vì tiền hỗ trợ ít lắm, chẳng đủ xăng xe, điện thoại của em, mà vì em thương những người bệnh, họ bị cả xã hội ghét bỏ. Em cứ tâm niệm rằng mình làm từ thiện, chỉ cần bệnh nhân khỏi bệnh, cứu sống được một mạng người là em vui rồi", chị Tâm nghẹn ngào chia sẻ. Hiện chị Tâm đang phụ trách hỗ trợ cho 3 bệnh nhân lao tuân thủ điều trị, trong đó có 2 bệnh nhân đang có tiến triển tốt.
CSET Phạm Thị Thảo Tâm hỗ trợ bệnh nhân lao tại địa phương. (Ảnh: Quang Nhật)
Với những bệnh nhân, mắc lao là một điều khủng khiếp với họ. Trước anh mắt kì thị, sợ sệt của những người xung quanh, họ mặc cảm, tự ti, tự thu mình lại, có người suy nghĩ tiêu cực và buông thả bản thân. Nhưng khi gặp thành viên của CSET, sự gần gũi, thấu hiểu của họ đã khiến bệnh nhân lao ấm lòng. Họ mở lòng mình hơn, từ đó chấp nhận, nỗ lực điều trị. Khi biết mình mắc bệnh lao, ông Nay L. ở xã Ea Sol, huyện Ea H'Leo đã vô cùng suy sụp. Ông tự tách biệt mình với mọi người, không tiếp xúc với ai trong buôn. Quá buồn chán, ông tìm đến rượu và thuốc lá để quên sự đời. Cũng vì vậy mà sức khỏe càng ngày càng giảm sút. May mắn cho ông Nay L. khi được Trạm Y tế cử chị Phạm Thị Thảo Tâm đến giúp đỡ. Sau nhiều lần kiên trì tiếp cận, chuyện trò, khuyên nhủ, ông đã đồng ý điều trị lao. "Trong lần đầu tiên đến gặp, cô Tâm đã mang thuốc bổ, khẩu trang và 100.000 đồng đến cho tôi. Lúc đầu tôi ngại, không nói chuyện nhưng cô Tâm không hề buồn, giận tôi, cô liên tục nói chuyện, khuyên nhủ tôi vì vợ và các con mà cố gắng chữa bệnh. Cô khuyên tôi bỏ thuốc lá và rượu. Hướng dẫn vợ tôi cách chăm sóc bệnh nhân lao. Giờ tôi bỏ được hai thứ ấy rồi, sức khỏe cũng tốt hơn. Nhiều lần khác, cô Tâm còn tập hợp những người thân, hàng xóm, bạn bè của tôi để nói chuyện và truyền thông về bệnh lao, mọi người dần hiểu ra và không kỳ thị tôi nữa. Tôi biết ơn cô Tâm lắm. Tôi vẫn hay nói với cô là nếu có kiếp sau thì làm con tôi nhé! Cô Tâm bảo chú phải hết bệnh lao thì con mới làm con chú. Tôi biết cô đang động viên tôi", ông Nay L. xúc động nói.
Cũng như chị Tâm, chị Dương Thị Thảo, CSET huyện Krông Pắk cũng đang miệt mài, tận tâm với những bệnh nhân của mình. Năm 2024, chị Thảo phụ trách 6 bệnh nhân lao tại địa phương. Tất cả đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, éo le nhưng nhờ sự nỗ lực của chị, tất cả bệnh nhân đều đã hoàn thành điều trị. Chị Thảo cho biết người dân ở xã chị hiểu biết về bệnh lao rất ít, họ chỉ biết đây là bệnh dễ lây, khó chữa nên khi thấy nhà nào có bệnh nhân là họ sợ, xa lánh hoàn toàn. Có bệnh nhân còn bị người nhà nhốt lại trong phòng, tự nấu ăn, sinh hoạt, tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Có bệnh nhân thuộc hộ nghèo, ăn uống kham khổ, thiếu dinh dưỡng, sức khỏe ngày càng suy kiệt nên luôn có ý định bỏ uống thuốc. Hiểu được những khó khăn của người dân cùng xã, chị Thảo luôn cố gắng hỗ trợ bệnh nhân bằng tất cả khả năng của mình. Đều đặn mỗi tuần, chị đến nhà thăm bệnh, gọi điện thoại nhắc uống thuốc, đi tái khám... Chia sẻ về kỉ niệm đáng nhớ khi làm việc, chị Thảo cho biết: Đầu năm 2024, tôi có phụ trách hỗ trợ tuân thủ điều trị lao cho một nam bệnh nhân. Lần đầu tiên đến gặp cậu ấy ở ngoài chòi rẫy, vì bị gia đình xa lánh, tôi cứ nghĩ chắc cậu ấy không vượt qua nổi, người thì gầy trơ xương, nói năng thều thào, chỉ nằm trên giường chứ không đi lại được. Tôi vận động cậu ấy uống thuốc, giống như dỗ trẻ con vậy. Thấy tôi năng đi lại, cả xóm xì xào vì không ai dám lại gần bệnh nhân. Sau hơn 1 tháng dùng thuốc, bệnh nhân có ý định bỏ trị vì quá mệt nhưng tôi vẫn kiên trì khuyên nhủ, điện thoại qua lại liên tục. Sau hơn hai tháng, trở lại thăm, cậu ấy đã xuống giường và đi lại được. Tôi mừng rớt nước mắt. Chỉ cần thấy bệnh nhân khỏe thôi là tôi cảm thấy không cần gì cả, bao nhiêu công sức của mình đã được đền đáp rồi. Bây giờ cậu ấy đã khỏi bệnh, mỗi lần gặp tôi ngoài đường, cứ tay bắt mặt mừng rằng "chị là bố tát sống cứu cuộc đời em".
CSET Dương Thị Thảo chia sẻ quá trình hỗ trợ bệnh nhân lao tuân thủ điều trị tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống lao (24/03) năm 2025. (Ảnh: Quang Nhật)
CSET Dương Thị Thảo tư vấn cho bệnh nhân H Anh Niê tại huyện Krông Pắc. (Ảnh: Quang Nhật)
Bà Nguyễn Thị Hoài Thương, đại diện SCDI tại Đắk Lắk cho biết CSET là cánh tay nối dài của chương trình phòng chống lao, họ là người gần gũi với bệnh nhân, hiểu rõ phong tục, tập quán của người bệnh nên dễ dàng tiếp cận, vận động người bệnh điều trị. Họ cũng là những truyền thông viên tích cực giúp cộng đồng hiểu thêm về bệnh lao, giảm bớt sự kì thị và cùng đồng hành với bệnh nhân lao trong cuộc chiến chống bệnh tật.
Hiện tại, thông qua CSET, SCDI đang hỗ trợ bệnh nhân lao có hoàn cảnh kinh tế khó khăn mua bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí dinh dưỡng 1.500.000 đồng/đợt điều trị, phát thuốc bổ, khẩu trang. Định kì, CSET sẽ tổ chức truyền thông nhóm nhỏ những người tiếp xúc gần với bệnh nhân lao hoặc những người có nguy cơ cao để tuyên truyền, nâng cao kiến thức về chăm sóc, điều trị, phòng bệnh lao. Trong năm 2025, SCDI sẽ tiếp tục củng cố và nâng cao năng lực cho hệ thống CSET, mở rộng địa bàn hỗ trợ bệnh nhân lao tuân thủ điều trị, nỗ lực đóng góp thành quả vào mục tiêu chung thanh toán bệnh lao tại Đắk Lắk vào năm 2030.
Theo Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk
Nguyễn Huế - Quang Nhật