28 hộ gia đình khó khăn tại xã Ea Sar, Ea Kar, Đắk Lắk nhận được hỗ trợ giống cây trồng để phát triển sinh kế.
Đắk Lắk là tình có thành phần dân tộc đa dạng nhất cả nước – 47 dân tộc. Ngoài đồng bào người bản địa và những người đi “kinh tế mới” theo chủ trương của nhà nước thì còn rất nhiều người đồng bào các dân tộc miền núi từ phía Bắc do không có đất sản xuất nên di cư tự do vào khai thác rừng, phát rẫy, lập buôn làng. Ngoài một số người rất thành công, phần lớn người dân còn rất khó khăn do thiếu vốn, thiếu đất canh tác.
Trong khi thực hiện dự án phòng chống sốt rét, cán bộ SCDI tìm đến những nơi mà người dân đi rừng, ngủ rẫy, không có các biện pháp bảo vệ bản thân dẫn đến bị sốt rét. Xã Ea Sar, huyện Ea Kar là một nơi như vậy. Xã này giáp với khu bảo tồn thiên nhiên Ea So. Ở đây, điều kiện kinh tế khó khăn, người dân không có đất và vốn để sản xuất nên nhiều người vẫn sống phụ thuộc vào rừng cho dù việc khai thác rừng là trái phép, và vào rừng tiềm ẩn nguy cơ mắc các bệnh lây truyền như sốt rét. Thế nhưng, ngay cả khi vào rừng, cuộc sống của người dân nơi đây cũng rất bấp bênh. Lâm sản không còn nhiều để khai thác. Lan rừng không còn người mua, có khi đi cả tuần không tìm được một tổ ong để lấy mật bán. Không chỉ thế, tình trạng phá rừng gây ra những hậu quả khôn lường bởi lũ quét, lở đất,… Cuộc sống khó khăn khiến nhiều gia đình chỉ lo sống qua ngày, không ưu tiên việc đi học của con cái. Vòng xoáy đói nghèo càng trở nên sâu sắc.
Anh Hà Văn Hồi, cộng tác viên của SCDI và Mỗi ngày Một quả trứng tại địa phương đề xuất hỗ trợ cây trồng cho các gia đình nghèo có con đang đi học. Việc hỗ trợ này vừa giúp các gia đình có thu nhập, vừa bảo vệ môi trường.
Ảnh: Người dân nhận hỗ trợ giống cây trồng
Nhận thấy được sự hiệu quả và tác động đa chiều, Mỗi ngày Một quả trứng hỗ trợ 48,550 cây keo giống trị giá 53,405,000đ cho 28 gia đình khó khăn nhất ở trong xã và có đất để phủ xanh 11 hecta. Cây keo có thể bắt đầu thu hoạch từ năm thứ ba. Mỗi hecta keo thường mang đến giá trị kinh tế cao tùy thuộc vào độ tuổi của cây. Thông thường, khi cây được 3 tuổi, người trồng sẽ tỉa bán dần, vừa tạo thu nhập, vửa tạo điều kiện cho các cây còn lại phát triển.
Ảnh: Chị Thương – cán bộ SCDI và anh Hồi phát giống cây trồng cho người dân để trồng kịp trước mùa mưa
Bằng việc nhận giống cây trồng, 28 gia đình cam kết cho con đi học. Thu nhập từ rừng keo sẽ phần nào đỡ dần khó khăn cho những gia đình này, để trẻ con có thể đi học, cắt đứt vòng xoáy đói nghèo, xây đắp nền tảng cho một tương lai bền vững.