02/12/2018
Hỗ trợ Cộng đồng
Nhiều trẻ nhiễm HIV đang bị "bỏ lại phía sau"
Nhiều trẻ nhiễm HIV đang bị "bỏ lại phía sau"

(PNVN) - “Những đứa trẻ bình thường vốn đã dễ bị tổn thương, nhưng do nhiễm HIV nên hàng ngày hàng giờ phải đối mặt với sự soi mói và dị nghị tại nơi sinh sống, học tập, vui chơi và ngay cả nơi khám chữa bệnh” - đó là chia sẻ nhói lòng của nhiều trẻ em nhiễm HIV.

 

Tâm sự nhói lòng

Mới 16 tuổi nhưng nhìn Đ.N (Hải Phòng) già hơn nhiều so với tuổi. N. chia sẻ, em vừa trải qua giai đoạn sốc tâm lý lớn khi chuyển từ việc điều trị HIV cho trẻ em tại phòng khám nhi sang cơ sở điều trị của người lớn.

“Em thấy không còn được quan tâm như trước. Cả quá trình khám, lấy thuốc chỉ mất đúng 5 phút, Trước đây khi đi khám ở phòng nhi, em được hỏi han và chỉ dẫn từng bước. Các bác sĩ còn cung cấp số điện thoại để mỗi khi gặp sự cố có thể trực tiếp gọi điện hỏi. Chuyển về cơ sở điều trị cho người lớn không biết hỏi ai. Muốn quan tâm đến sức khỏe của mình nhưng thực tế không cho phép”, N. bày tỏ.

Đ.N (Hải Phòng): "Bình thường đã thiếu sự quan tâm, đến khám lại bị hờ hững nên em cảm thấy rất tổn thương. Em mong các cơ sở y tế có thể thay đổi thái độ với bệnh nhân nhiễm HIV". Ảnh: A.H

N. chia sẻ thêm: “Khi em đến bệnh viện khám cho người lớn, bác sĩ chỉ ghi đơn, phát thuốc, không một ai hỏi xem em uống thuốc có tác dụng phụ gì không? Bình thường đã thiếu sự quan tâm, đến khám lại bị hờ hững nên em cảm thấy rất tổn thương. Em mong các cơ sở y tế có thể thay đổi thái độ với bệnh nhân nhiễm HIV”.

Chia sẻ của N. khiến người đối diện nhói lòng, từ khi mới 4-5 tuổi, ở tuổi những đứa trẻ khác sống hồn nhiên như cây cỏ thì N. đã nhận ra mình bị kỳ thị. “Lúc đó em biết mình bị kỳ thị không phải vì em nhiễm HIV mà vì bố mẹ em sử dụng ma túy nên người lớn cấm con họ không được chơi với em”.

Từ lúc còn là đứa trẻ nhỏ xíu, N. đã phải tự tạo vỏ bọc, để ngoài tai mọi chuyện. Bởi thế khi phát hiện có HIV, cô bé chỉ hơi sốc. Thiếu vắng sự quan tâm, N. đã lao vào thử hút để tìm cách quên đi thực tại đáng buồn.

“Nếu em được hỗ trợ tuân thủ phác đồ điều trị tốt, lượng virus giảm xuống dưới ngưỡng phát hiện và không còn khả năng lây nhiễm nữa thì sẽ không còn lý do gì bị kỳ thị và phân biệt đối xử, nhưng vì là trẻ con rất dễ bị sốc, trầm cảm khi bị kỳ thị”. Có thời gian N. bỏ uống thuốc điều trị HIV tới gần 6 tháng (trong khi theo phác đồ điều trị của người nhiễm HIV việc uống thuốc phải đều đặn mỗi ngày). Hậu quả là hiện tại mắt N. đã bị mờ, đi lại đôi khi rất khó khăn.

“Cơ sở y tế nằm chung với khu dân cư, mỗi lần đến khám em lại nghe thấy người ta xì xào “Con bé này trẻ thế, làm gì mà bị nhiễm HIV?”… Điều đó khiến em rất buồn. Nếu được, em mong bố mẹ nên làm bạn với con, quan tâm đến con nhiều hơn bởi đôi khi sự kỳ thị còn đến từ trong nhà, tác động đến tâm lý của đứa trẻ một cách khủng khiếp, chứ không phải chỉ từ xã hội”, N. chia sẻ.

Rào cản lớn trong tuân thủ điều trị HIV

Những đứa trẻ vốn dễ bị tổn thương do tình trạng nhiễm HIV của mình lại hàng ngày hàng giờ phải đối mặt với những soi mói và dị nghị tại nơi sinh sống, học tập, vui chơi và khám chữa bệnh.

Thực tế, có nhiều trẻ nhiễm HIV từ nhỏ không được biết tình trạng của mình mà chỉ uống thuốc theo sự yêu cầu của bố mẹ và cũng không được chuẩn bị tâm lý từ từ để đón nhập tình trạng bệnh. Khi lớn lên các em lớn lên sẽ rơi vào 2 trường hợp phổ biến: Các em không có đủ nhận thức về tầm quan trọng của việc tuân thủ điều trị dẫn đến bỏ uống thuốc, hoặc uống không đúng chỉ dẫn - gây ra những biến chứng về sức khoẻ và nguy cơ kháng thuốc cao.

Trường hợp thứ hai, các em cảm thấy sốc khi phát hiện ra tình trạng nhiễm HIV khiến cho các em căm ghét bố mẹ và chính bản thân, dẫn đến thực hiện các hành vi tiêu cực như bỏ nhà đi, sử dụng chất kích thích - ma tuý, quan hệ tình dục không an toàn, và những hậu quả đáng tiếc như có con ngoài ý muốn… Đáng lo lắng hơn, đó là có những em đã bỏ thuốc ARV trong thời gian dài và những trường hợp này đều rất khó thuyết phục quay trở lại điều trị.

N.T (SN 2000, huyện Đông Anh, Hà Nội) lần đầu tiên chia sẻ suy nghĩ và câu chuyện của mình về việc trẻ em nhiễm HIV: Nhiều trẻ không biết tình trạng của mình, không biết hàng ngày mình phải uống thuốc gì. Do bố mẹ cố tình giấu với suy nghĩ “để con có tuổi thơ tốt đẹp như bao bạn bè khác”. Nhưng thực tế, đây là vấn đề nghiêm trọng với trẻ bởi bản thân trẻ không biết mình nhiễm HIV nhưng bạn bè, người xung quanh lại biết và xa lánh trẻ. Khi biết được mình nhiễm HIV trẻ sẽ có tâm lý hận thù cha mẹ.

N.T (Hà Nội): "Nếu được chuẩn bị tâm lý từ sớm, trẻ có thể dễ dàng chấp nhận sự thật và phối hợp điều trị tốt hơn. Sẽ không có tình trạng hận thù, bỏ nhà và thử hút hít, nổi loạn, thậm chí tìm cách tự tử như nhiều trẻ vị thành niên đã làm khi biết mình nhiễm HIV". Ảnh: A.H

Bản thân T. từ khi học mẫu giáo, tiểu học đã chịu sự tác động từ xã hội rất mạnh. T. thậm chí còn không hiểu vì sao mình bị cấm đi học. Lúc đó, T. mang máng nhận thức ra mình có bệnh gì đó. “Nếu được chuẩn bị tâm lý từ sớm, trẻ có thể dễ dàng chấp nhận sự thật và phối hợp điều trị tốt hơn. Sẽ không có tình trạng hận thù, bỏ nhà và thử hút hít, nổi loạn, thậm chí tìm cách tự tử như nhiều trẻ vị thành niên đã làm khi biết mình nhiễm HIV”, T. chia sẻ.

Ngay cả khi đã chấp nhận tình trạng của mình và có tâm lý sẵn sàng thì trẻ nhiễm HIV cũng gặp không ít khó khăn để tuân thủ điều trị khi bước vào độ tuổi vị thành niên. “Khi chúng cháu đi học, đi ôn thi tại trung tâm mà đến giờ uống thuốc thì không thể tự nhiên giữa cả lớp mà bỏ thuốc ra uống được (vì sợ mọi người kỳ thị và tò mò), nên việc quên hoặc uống quá giờ là thường xuyên xảy ra. Rồi đến tuổi yêu đương, muốn có người yêu thì cũng rất dễ bỏ uống thuốc do tâm lý tuổi này đang thay đổi” - chia sẻ của một bạn nam tại Hà Nội.

Mới 50% trẻ em nhiễm HIV được tham gia điều trị

Trên toàn thế giới ước tính có khoảng 31,1 đến 43,9 triệu người sống chung HIV, 75% trong số đó biết tình trạng của mình. Số trẻ em dưới 15 tuổi nhiễm HIV là 1,8 triệu em. Tính đến cuối năm 2017, Việt Nam có khoảng 4.400 đến 6.600 trẻ em dưới 15 tuổi sống chung với HIV. Theo số liệu toàn cầu, ước tính chỉ có 50% trẻ em nhiễm HIV được tham gia điều trị - đây là một khoảng trống đáng kể trong phòng, chống HIV/AIDS.

Những số liệu trên được công bố tại buổi Tọa đàm Chia sẻ kinh nghiệm cộng đồng trong hỗ trợ tuân thủ điều trị HIV do SCDI (Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển cộng đồng) tổ chức đúng vào ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS 1/12 năm nay, tại Hà Nội.

Bác sĩ Kiều Thị Mai Hương, Quản lý chương trình Sức khoẻ, SCDI, cho biết: "Qua kinh nghiệm làm việc cùng các nhóm hỗ trợ cho các trẻ nhiễm HIV, chúng tôi thấy một thực trạng rất đáng buồn đó là có một tỉ lệ đáng lo ngại những trẻ mắc HIV bỏ điều trị khi bước sang độ tuổi vị thành niên".

Theo bác sĩ, tuân thủ điều trị HIV đối với bệnh nhân là người trưởng thành đã khó, đối với trẻ em lại càng đòi hỏi nhiều sự quan tâm và chuẩn bị về mặt tâm lý một cách đầy đủ và kỹ càng trước khi bước sang một giai đoạn mới của cuộc đời - điều này cần sự chung tay của cả xã hội.

* Chị Hải Anh (nhóm Ban Mai, Hà Nội): "Cần có sự hỗ trợ ngay từ gia đình, giải quyết tâm lý cho bố mẹ có con nhiễm HIV. Có mẹ bảo: “Em còn giấu được cho con ngày nào hay ngày đó!”, suy nghĩ tưởng thương con, bảo vệ con khỏi sự phân biệt đối xử, kỳ thị nhưng thực ra sẽ dẫn đến nguy cơ trẻ không tuân thủ điều trị, dễ kháng thuốc… Đây chính là rào cản lớn, tôi thấy rất thương các con khi không may có bố mẹ như vậy".

 

Bảo Nguyên

Theo Phụ Nữ Việt Nam 

Xem bài gốc tại đây.