"Lao ư? Đó là căn bệnh ngày xưa, bây giờ thì còn ai mắc nữa?”
Thế nhưng, căn bệnh cũ này vẫn là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất trên thế giới. Cứ 100.000 người tại Việt Nam thì có 173 người mắc Lao và Việt Nam đứng thứ 11/30 quốc gia có gánh nặng bệnh Lao cao nhất thế giới theo số liệu báo cáo bệnh lao toàn cầu năm 2022 của Tổ chức Y tế Thế giới.
Lao là căn bệnh không từ một ai. Bất kỳ ai cũng có khả năng nhiễm Lao. Tuy nhiên, bệnh Lao dường như dễ dàng tấn công những người có điều kiện kinh tế hạn chế nhất. Đi kèm với điều đó là sự thiếu hiểu biết, khó khăn trong tiếp cận thông tin dự phòng và điều trị bệnh. Hãy cùng chúng tôi theo dõi những mẩu chuyện chân thực nhất về cuộc sống của bệnh nhân lao và gia đình của họ. Những câu chuyện này được cung cấp bởi cán bộ SCDI với sự cho phép của bệnh nhân. SCDI vẽ tranh chân dung để đảm bảo bảo mật thông tin khi chia sẻ câu chuyện của họ.
Chuyện về bé Vân Quỳnh
Vân Quỳnh 9 tuổi là chị của 3 đứa em. Mẹ đi làm xa nên cuộc sống của 4 chị em dồn nặng lên vai của ông bà ngoại nay đã ngoài 70 tuổi. Một ngày ông ngoại biết mình mắc lao phổi sau nhiều ngày ho và đau ở ngực. Một thời gian sau, Vân Quỳnh cũng được chẩn đoán mắc lao.
Đây quả là một cú sốc lớn với ông và bà. Bình thường, kiếm đủ cơm ăn mỗi ngày đã khó, ông bà không kiếm đâu ra tiền để nhập viện cho Vân Quỳnh. Lúc đó em còn không có bảo hiểm y tế. Việc điều trị lao mà không có BHYT với gia đình em dường như là điều không thể.
Được một bác sĩ tại bệnh viện giới thiệu, anh Phúc (cán bộ SCDI) đã liên hệ tới gia đình và hỗ trợ mua thẻ BHYT để Vân Quỳnh có thể nhập viện điều trị. Chữa bệnh cho Vân Quỳnh là ưu tiên số một. Cùng với đó, anh đưa bà ngoại và 3 đứa em của Vân Quỳnh đi sàng lọc lao. Rất may, bà ngoại và mấy đứa nhỏ đều khỏe mạnh.
Sau một tháng điều trị tại viện, Vân Quỳnh được bác sĩ cho về nhà và tiếp tục uống thuốc. Tuy nhiên, nơi em ở cách chỗ lấy thuốc lao rất xa. Ông bà lớn tuổi nên không thể đưa em đi được. Thế là đều đặn hàng tháng, anh Phúc hoặc các cô chú khác ở SCDI thay nhau tới tận nhà chở Vân Quỳnh đi lấy thuốc. Hôm nào bận quá, mọi người sẽ hỗ trợ tiền xe đưa em đi.
Một khó khăn khác là ông bà lớn tuổi nên hay quên và Vân Quỳnh thì còn quá bé để hiểu được rằng phải uống thuốc đúng giờ mỗi ngày. Bởi vậy, anh Phúc đã sắm một chiếc đồng hồ báo thức. Có đồng hồ nhắc đều đặn vào 7h kém 10 – trước giờ Vân Quỳnh đi học, cả ông bà và em sẽ nhớ để uống thuốc mỗi ngày.
Cứ như vậy 6 tháng trôi qua, Vân Quỳnh đã hoàn thành điều trị. Đó là “trái ngọt” cho sự mạnh mẽ của Vân Quỳnh, sự kiên trì của ông bà, sự hỗ trợ không ngại mệt, không ngại khó của các cô chú tại SCDI.
Vì sức đề kháng còn yếu, trẻ em dễ dàng bị lao tấn công. Những đứa trẻ như Vân Quỳnh, không BHYT, thiếu sự chăm sóc, hoàn cảnh gia đình khó khăn,… khiến việc chữa bệnh chậm trễ. Bệnh lao ở trẻ em, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe và tương lai của trẻ.
Ảnh: Tranh vẽ chân dung bé Vân Quỳnh
"Nhờ anh Xi-mát mà thị biết mình mắc lao"
Thị Deo, người đàn bà S’tiêng lớn lên bên cánh rừng Bù Gia Mập, từ nhỏ không học hành gì vì cái bụng đói phải theo mẹ lên rừng hái nấm, hái măng. Cái nghèo đeo đuổi mãi dù Deo làm việc chẳng có ngày nghỉ.
Năm ngoái, Deo bỗng nhiên ho và mệt hơn bình thường. Mọi người bảo Deo đi khám nhưng thị không muốn vì còn phải kiếm tiền nuôi cả nhà. Cơn ho và mệt kéo dài cho tới khi Deo gặp anh Dũng, một thành viên của nhóm cộng đồng phòng chống sốt rét và lao (*). Deo được anh khuyên đến trạm y tế để khám sàng lọc vì thị có khả năng cao mắc Lao.
Deo được chẩn đoán mắc lao và cần lên trung tâm y tế huyện điều trị. Hay tin bị bệnh, Deo đột nhiên thấy sợ, lo đủ thứ. Được anh Dũng động viên nên hai vợ chồng cùng nhau lên huyện nghe tư vấn và nhận thuốc. Anh Dũng nhắc nhở uống thuốc hàng ngày, khích lệ để Deo yên tâm chữa bệnh. Uống thuốc được một thời gian, cái mệt và ho không còn hành hạ Deo nhiều như trước nữa. Dù vậy, anh Dũng động viên Deo uống đủ thuốc cho sáu tháng, vì để chiến thắng bệnh lao, tuân thủ điều trị chiếm vai trò tiên quyết.
Ảnh: Tranh vẽ chân dung Thị Deo
Gia đình bệnh nhân lao
Trong chưa đầy một năm, hai người thân của anh H. (47 tuổi, Nghệ An) là bố và con gái thứ lần lượt mắc lao phổi. Gạt sự hoang mang sang một bên, cả nhà động viên, chăm sóc cho nhau và cả hai đã hoàn thành việc điều trị.
Sau bố và con gái, đến lượt anh H. bị ho kéo dài và sốt về chiều. Là trụ cột chính trong gia đình cộng thêm giãn cách xã hội do dịch Covid bùng phát khiến anh H. trì hoãn việc đi khám bệnh. Chỉ khi các triệu chứng trở nặng và sụt cân nhiều, anh mới đi khám và nhận được tin “sét đánh ngang tai” là mình đã mắc lao phổi. Trước đó, anh H. nghĩ lao phổi là bệnh di truyền và mắc bệnh hoàn toàn do may rủi. Từ suy nghĩ “có lẽ lao chừa mình ra”, giờ đây anh hối tiếc “nếu bản thân có hiểu biết hơn về bệnh lao thì đã có thể bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình”.
Muộn còn hơn không, hành động chưa bao giờ là vô ích. Sau khi biết tin mình mắc lao, anh H. đưa vợ và người con gái lớn đi khám tại buổi sàng lọc lao lưu động. Thật may, nhờ vậy vợ anh phát hiện ra mắc lao tiềm ẩn và kịp thời chữa trị. Còn con gái anh bình an vô sự. Giờ đây anh hiểu ra một điều và cũng muốn tất cả mọi người hiểu “Lao là bệnh lây truyền nhưng có thể dự phòng và chữa khỏi hoàn toàn. Khi mắc lao, đừng sợ hãi. Hãy trang bị kiến thức cho bản thân và những người xung quanh để chiến thắng bệnh lao!
Ảnh: Tranh vẽ chân dung các thành viên gia đình anh H.