10/01/2025
Bản tin môi trường
Ô nhiễm trắng: cuộc “xâm lăng” của những “thực thể ngoại lai”
Ô nhiễm trắng: cuộc “xâm lăng” của những “thực thể ngoại lai”

Bản tin Môi trường cập nhật những tin tức về môi trường và các giải pháp bảo vệ Trái Đất. Cùng chung tay hành động vì một môi trường xanh - sạch - đẹp!

Thực hiện bởi đội ngũ Môi trường SCDI.


Ô nhiễm trắng, hay còn gọi là ô nhiễm từ rác thải nhựa, là một trong những thách thức môi trường nghiêm trọng nhất mà thế giới đang đối mặt. Theo số liệu từ UNDP, mỗi năm, khoảng 430 triệu tấn rác nhựa được thải ra môi trường. Nếu không có biện pháp mạnh mẽ, con số này có thể tăng gấp ba lần vào năm 2060. 

Ô nhiễm trắng không chỉ gây tổn hại đến môi trường đất, nước, và các sinh vật biển, mà còn tác động tiêu cực đến sức khỏe con người. Vậy những ảnh hưởng cụ thể của vấn đề này là gì, và chúng ta có thể làm gì để đối phó?

Khi những “thực thể ngoại lai” xâm chiếm trái đất

Nhựa được coi là một trong những “thực thể ngoại lai” (tạm dịch từ novel entities) đang dần “xâm chiếm” trái đất. Đây là thuật ngữ chỉ các chất hoặc hợp chất do con người tạo ra, khó phân hủy và có khả năng tồn tại rất lâu trong môi trường tự nhiên. 

Các nhà khoa học cảnh báo rằng mức độ xâm lấn của những "thực thể" này đã vượt xa giới hạn mà trái đất có thể chịu đựng. Trong số 430 triệu tấn rác nhựa mỗi năm, có tới 79% bị chôn lấp hoặc xả thẳng ra môi trường tự nhiên, 12% bị đốt, và chưa đến 10% được tái chế.

Hậu quả của ô nhiễm trắng là rất nghiêm trọng. Rác thải nhựa hủy hoại môi trường sống tự nhiên, gây tổn thương và đe dọa đến tính mạng của nhiều loài động vật hoang dã. Các nghiên cứu cho thấy có đến 88% các loài sinh vật biển bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm nhựa, từ tổn thương vật lý do nuốt phải nhựa đến những thay đổi trong chu trình sinh thái. Đối với con người, các hạt vi nhựa đã được tìm thấy trong phổi, máu, và cả sữa mẹ, đặt ra nhiều lo ngại về sức khỏe lâu dài.

Ảnh: Động vật bị mắc kẹt trong rác thải nhựa

Những nỗ lực từ phía các nhà sản xuất

Một trong những nguồn gây ô nhiễm lớn nhất là bao bì sản phẩm từ các tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng nhanh, với những cái tên quen thuộc như The Coca-Cola Company, PepsiCo, Nestle hay Unilever. 

Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng là một vài trong số những tập đoàn này đã có những cam kết tích cực trong việc giảm thiểu nhựa trong sản xuất. Cụ thể, Unilever cam kết sẽ giảm đến 30% lượng nhựa nguyên sinh vào năm 2026 và 40% vào năm 2028. Công ty này cũng có kế hoạch sẽ chuyển đổi 100% bao bì nhựa của họ thành các chất liệu dễ tái sử dụng, tái chế hoặc ủ phân bón vào năm 2030 đối với nhựa cứng và năm 2035 với nhựa dẻo. 

Ngoài Unilever, Nestle cũng là một tập đoàn cho thấy những nỗ lực nghiêm túc trong việc trở nên bền vững hơn. Nestle hướng đến mục tiêu 100% bao bì nhựa sẽ có thể tái chế hoặc tái sử dụng được, trong đó 86.6% mục tiêu này cần đạt được vào năm 2023. Theo số liệu thực tế, tính đến cuối năm 2023, 83.5% lượng bao bì của Nestle trên toàn cầu đã được thiết kế để có thể tái chế. 

Ảnh: Nhiều nhãn hàng "thay áo mới" cho nước đóng chai trong bao bì tái chế

Người tiêu dùng: mảnh ghép quan trọng để đẩy lùi ô nhiễm trắng

Nỗ lực từ các doanh nghiệp và chính phủ là rất quan trọng, nhưng sẽ không đủ nếu thiếu sự tham gia từ phía người tiêu dùng. Thay đổi bắt đầu từ chính thói quen hàng ngày của mỗi người, và đôi khi những việc nhỏ cũng có thể tạo nên tác động lớn.

Hãy thử giảm bớt việc sử dụng nhựa dùng một lần, tái sử dụng các sản phẩm khi có thể, và nhớ phân loại rác để tái chế. Ngoài ra, việc chọn mua sản phẩm từ những thương hiệu có cam kết bảo vệ môi trường không chỉ giúp giảm rác thải mà còn tạo động lực cho các doanh nghiệp hướng tới sự bền vững hơn.

Mỗi hành động nhỏ đều có ý nghĩa, và nếu tất cả chúng ta cùng chung tay, chắc chắn việc đẩy lùi ô nhiễm trắng sẽ không chỉ là ước mơ.