Sáng ngày 15/7, SCDI đã tham gia Buổi sơ kết triển khai Mô hình hỗ trợ, tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức. Dự buổi sơ kết có Đại diện Văn phòng Chính phủ, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội – Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, CDC Hoa Kỳ, Chi Cục Phòng chống tệ nạn xã hội Hà Nội, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Đà Nẵng, Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Y dược thành phố HCM, INL Hà Nội và Hoa Kỳ.
Ảnh 1: Buổi sơ kết Mô hình hỗ trợ, tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy
Mô hình được triển khai từ năm 2019, thí điểm tại 8 quận và 20 phường của Hà Nội và Đà Nẵng. Trong suốt 3 năm, Mô hình đã tiếp nhận 973 người tham gia, trong đó Hà Nội có 690 người, Đà Nẵng có 283 người. Mô hình thực hiện tư vấn về điều trị, cai nghiện ma túy; các chính sách hỗ trợ sinh kế; học nghề đối với người sử dụng và nghiện ma túy,… và các cơ sở cung cấp dịch vụ điều trị nghiện, giới thiệu việc làm, trợ giúp pháp lý, chuyển gửi đến Trung tâm y tế/Cơ sở cai nghiện để cắt cơn, giải độc; cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone; Bệnh viện Tâm thần để được điều trị nghiện loạn thần; CƠ sở cai nghiện ma túy để cai nghiện tự nguyện.
Ảnh 2: Thầy Lê Minh Giang, lãnh đạo trường Đại học Y Hà Nội phát kiểu khai mạc buổi Sơ kết
Ảnh 3: TS. Nguyễn Cửu Đức, Vụ Phó Vụ Khoa giáo văn xã, Văn phòng Chính phủ chủ trì buổi Sơ kết và báo cáo triển khai thí điểm mô hình hỗ trợ, tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy.
Trong quá trình triển khai thí điểm, SCDI tham gia vào hoạt động giám sát, hỗ trợ chuyên môn cùng Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, thường xuyên hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật tại các xã, phường áp dụng mô hình và duy trì hoạt động giao ban đánh giá trực tiếp tại cơ sở. Thông qua các hoạt động này giúp địa phương thực hiện đúng nội dung hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện và đề ra kế hoạch hoạt động cho những tháng tiếp theo.
Các kỹ thuật chuyên môn trong điều trị cai nghiện ma túy được phát huy, năng lực chuyên môn của các thành phần tham gia mô hình được nâng cao thông qua các khóa tập huấn, kỹ năng tiếp cận, tư vấn, đánh giá, sàng lọc, chuyển gửi người sử dụng ma túy, người nghiện ma túy trên địa bàn, qua đó tăng cường việc quản lý người sử dụng ma túy, người nghiện, sau nghiện tại cộng đồng
Ảnh 4: Bà Nguyễn Minh Trang, quản lý Chương trình Điều trị Nghiện và Giảm hại, Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng – SCDI phát biểu tại buổi Sơ kết
Theo Bà Nguyễn Thị Minh Trang, quản lý Chương trình Điều trị Nghiện và Giảm hại, Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng – SCDI: "Hiệu quả bước đầu của mô hình được ghi nhận qua việc đóng góp vào việc quản lý chặt chẽ di biến động người nghiện trên địa bàn, đồng thời đem lại lợi ích thiết thực cho người nghiện qua các hỗ trợ cụ thể, từ đó tạo niềm tin của khách hàng và nhân dân địa phương, tạo sự thay đổi rõ rệt trong nhận thức, hành vi của người nghiện. Từ tâm lý e dè, sợ gặp cơ quan chức năng, sợ đến cơ sở y tế và điều trị nghiện thì hiện nay nhiều người nghiện ma túy đã chủ động, mạnh dạn tìm đến Điểm tư vấn hoặc nhờ người thân tìm hiểu để tham gia các dịch vụ mô hình cung cấp, giảm tự ti, mặc cảm, tâm lý bị kỳ thị".
Ảnh 5: Bà Đỗ Thị Ninh Xuân, Cố vấn Kỹ thuật cao cấp Chương trình Điều trị Nghiện và Giảm hại – SCDI
Theo bà Xuân, hoạt động của mô hình đã được các cấp, các ngành quan tâm, chính quyền cơ sở tích cực, chủ động vào cuộc do đó đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là các hỗ trợ điều trị cai nghiện ma túy, hỗ trợ về y tế, tư vấn tâm lý, pháp lý, xã hội. Mô hình thể hiện được sự pháp lý, nhân văn và hỗ trợ khi đáp ứng các nhu cầu của người cai nghiện ma túy về mọi mặt. Không chỉ can thiệp về y tế, mô hình còn tạo điều kiện, giải quyết các vấn đề về công ăn việc làm, định hướng việc làm. Trong quá trình triển khai, SCDI đã rất xát xao, kết hợp chặt chẽ với mạng lưới tiếp cận viên, tình nguyện viên dưới xã, phường để cập nhật tình hình cũng như giải quyết các khó khăn, từ đó góp phần vào thành công của mô hình thí điểm.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những tồn tại khiến việc triển khai và nhân rộng mô hình trong tương lai gặp khó khăn:
- Quá trình thực hiện bước đầu chưa có sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, các cấp;
- Cán bộ tham gia mô hình đều kiêm nghiệm, hạn chế về mặt thời gian, chưa đầu tư chuyên môn sâu cho các hoạt động của mô hình, do đó việc thực hiện các nhiệm vụ còn bị động;
- Cơ sở vật chất hỗ trợ hoạt động mô hình, kinh phí hỗ trợ cho hoạt động chuyên môn, chế độ hỗ trợ cho cán bộ và khách hàng tham gia mô hình còn hạn chế. Thực tế cho thấy, các cán bộ trong mô hình như công an, tiếp cận viên, chuyển gửi viên,… tuy bận rộn với công việc thường ngày nhưng rất nhiệt tình, tận tụy với công việc trong mô hình. Tuy nhiên, sự hạn chế về đầu tư nhân lực khiến mọi người “có tâm nhưng không có sức”, trong nhiều trường hợp không đủ điều kiện để đảm bảo hiệu quả của hoạt động.
Bởi vậy, cần có sự quan tâm và xát xao hơn nữa giữa các Sở ban ngành trong triển khai và mở rộng mô hình. Theo BS. Vũ Huy Hoàng - đại diện CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam, các bên liên quan cần phối hợp chặt chẽ trong triển khai thí điểm mô hình; bố trí cơ sở vật chất, kinh phí, con người; có thể quan tâm và tham gia vào kêu gọi lần tái đầu tư lần thứ 7 của Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV, Lao và Sốt rét để duy trì và mở rộng triển khai thí điểm mô hình.
Ảnh 6: BS. Vũ Huy Hoàng, đại diện CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam phát biểu tại buổi Sơ kết
Tuy còn những điểm cần cải thiện để duy trì và mở rộng, nhưng Mô hình hỗ trợ, tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người cai nghiện ma túy đã chỉ ra những thành công bước đầu và mở ra hy vọng cho một môi trường điều trị pháp lý, nhân văn và hiệu quả: giảm tác hại do sử dụng ma túy, giảm tỷ lệ người sử dụng ma túy trong cộng đồng, hạn chế tình hình vi phạm pháp luật, giảm được tội phạm và tệ nạn xã hội, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự an toàn xã hội.