11/04/2025
Bản tin môi trường
“Sống chung với lũ” và lát cắt di cư
“Sống chung với lũ” và lát cắt di cư

Bản tin Môi trường cập nhật những tin tức về môi trường và các giải pháp bảo vệ Trái Đất. Cùng chung tay hành động vì một môi trường xanh - sạch - đẹp!

Thực hiện bởi đội ngũ Môi trường SCDI.


Trong các bản tin trước, chúng ta đã biết được rằng biến đổi khí hậu không phải lúc nào cũng là nguyên nhân trực tiếp của di cư, mà nó như một đòn bẩy khiến quá trình này diễn ra nhanh và phức tạp hơn.

Đọc thêm bài viết: Di cư để thích ứng với biến đổi khí hậu

Để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, chúng ta cần đa dạng hóa các lựa chọn, giúp người dân không chỉ tồn tại mà còn có thể chủ động thích nghi và phát triển. Bên cạnh di dư, một trong những giải pháp quan trọng là tăng cường khả năng thích ứng tại chỗ – tức là hỗ trợ người dân thích nghi với biến đổi khí hậu ngay trên mảnh đất của họ, bằng cách cải thiện điều kiện sống và phát triển sinh kế bền vững.

“Sống chung với lũ”

Tình trạng nông dân phải rời bỏ đồng ruộng sau nhiều vụ mùa thất bát để lên thành phố làm công nhân có thể được coi là hệ quả của một hệ thống sinh kế không còn đủ khả năng chống chịu. Trong trường hợp này, môi trường tự nhiên xuống cấp và sinh kế không ổn định ở nông thôn tạo ra lực đẩy, còn thành thị – với những cơ hội việc làm và dịch vụ tốt hơn – tạo thành lực hút. Càng thiếu điều kiện sống ổn định ở quê, người dân sẽ càng dễ bị đẩy đi.

Thích ứng tại chỗ là cách tiếp cận hướng đến giảm lực đẩy ấy, thông qua việc cải thiện kinh tế địa phương, phát huy thế mạnh vùng miền, và tận dụng tri thức bản địa trong việc thích nghi với thiên nhiên. Đồng thời, giải pháp "sống chung với lũ" này cũng tạo ra một "lực hút ngược" – giúp người dân có lý do để ở lại, tiếp tục gắn bó và phát triển tại quê nhà.

Điều này không chỉ nâng cao khả năng phục hồi và chống chịu của cộng đồng trước những ảnh hưởng khó lường của biến đổi khí hậu, mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa, sự gắn kết cộng đồng và tính bền vững trong phát triển vùng miền.

Những mô hình thích ứng từ thực tiễn

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long – nơi chịu ảnh hưởng rõ nét từ nước biển dâng và lũ lụt thất thường – đã có nhiều mô hình sáng tạo giúp người dân thích ứng dựa trên kinh nghiệm và điều kiện tự nhiên sẵn có.

Một ví dụ nổi bật là mô hình “con tôm ôm cây lúa” – một hình thức canh tác kết hợp vừa nuôi thủy sản vừa trồng lúa trên cùng một mảnh ruộng. Mô hình này giúp người dân tận dụng được cả mùa khô lẫn mùa nước nổi, đồng thời giảm phụ thuộc vào một loại cây trồng duy nhất, từ đó tăng khả năng chống chịu trước rủi ro khí hậu.

Ảnh: Mô hình "con tôm ôm cây lúa" giúp bà con ở Đồng bằng Sông cửu long đa dạng hóa nguồn sinh kế

Bên cạnh đó, các khu dân cư vượt lũ với thiết kế nhà ở cao ráo, xây dựng trên nền đất ổn định đã tạo điều kiện để người dân có thể an tâm sinh sống ngay cả trong mùa lũ. Những mô hình này cho thấy rằng nếu có quy hoạch hợp lý và sự chuẩn bị kỹ lưỡng, người dân hoàn toàn có thể sống chung với lũ một cách an toàn và hiệu quả.


Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đang ngày càng khó lường và khắc nghiệt hơn. Các mô hình thích ứng từng hiệu quả nay dần mất đi tác dụng. Khi mùa nước nổi không còn đều đặn, khi lũ lụt hoặc hạn hán đến sớm hơn hoặc trễ hơn dự kiến, mô hình sinh kế cũ không còn phù hợp và khiến nhiều nhà vượt lũ bị bỏ hoang. Kết quả là vòng xoáy biến đổi khí hậu – kinh tế – di cư lại tiếp diễn.

Ảnh: Nhiều nhà vượt lũ tại Long An bị bỏ hoang suốt hơn 20 năm nay

Trước thực tế này, chúng ta cần một cách tiếp cận toàn diện và linh hoạt hơn. Việc vừa tăng cường năng lực thích ứng tại chỗ, tạo điều kiện sống ổn định và đa dạng hóa sinh kế cho người dân, vừa xây dựng các chương trình hỗ trợ di cư an toàn khi việc di chuyển là cần thiết. Tương lai của cộng đồng trước biến đổi khí hậu không nằm ở một lựa chọn duy nhất, mà ở khả năng linh hoạt, đoàn kết và cùng nhau kiến tạo những giải pháp bền vững.