Ngày 26/8/2022, SCDI phối hợp cùng UN WOMEN và UNAIDS tổ chức tọa đàm với sự góp mặt của 80 đại biểu của Quốc hội, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp, các tổ chức xã hội, các cơ quan nghiên cứu, tổ chức quốc tế và Liên Hợp Quốc, cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế đóng góp cho Dự thảo Luật chuyển đổi giới tính, cùng nhau xây dựng một xã hội mà cộng đồng người chuyển giới không bị bỏ lại phía sau.
Ảnh: Bà Khuất Thị Hải Oanh - Giám đốc SCDI cùng các đại biểu tham dự tọa đàm
Tham gia tọa đàm, bà Nguyễn Thị Kim Thúy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã nêu bật một số bước tiến của Việt Nam trong việc bảo đảm các quyền của người đồng tính, song tính, chuyển giới. Cụ thể là, hiến pháp quy định công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt; Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới; nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới (Điều 26); Năm 2014, Luật Hôn nhân và Gia đình được sửa đổi, trong đó bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính. Để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, Bà Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo quan tâm đến hai vấn đề:
Thứ nhất, nghiên cứu, bổ sung quy định hỗ trợ về tâm sinh lý đối với nhóm trẻ dưới 16 tuổi có bản dạng giới khác giới tính khi sinh, để giúp các em phòng tránh hậu quả tiêu cực có thể có do tình trạng bức bối giới, phiền muộn giới mang lại.
Thứ hai, nghiên cứu bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước có liên quan và đặc biệt là Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ LĐTBXH. Đồng thời bổ sung quy định về nguyên tắc và nội dung phối hợp liên ngành trong triển khai thực hiện Luật để bảo đảm tính khả thi và giải quyết các vấn đề xã hội nhân văn có liên quan.
Ảnh: Bà Nguyễn Thị Kim Thúy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội phát biểu tại tọa đàm
Sự kiện cũng có sự góp mặt của Vụ pháp chế - Bộ Y Tế. Vụ đã đem đến một số thông tin về tiến độ xây dựng Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính: "chúng ta đang ở giai đoạn xây dựng Hồ sơ đề nghị Dự án Luật, hồ sơ đã được lấy ý kiến Thành viên Chính phủ và báo cáo tại Phiên họp thường trực chính phủ tháng 8 này".
Bà Phạm Thị Hảo cũng cho biết Dự thảo Quy định người chuyển giới không bắt buộc phải thực hiện can thiệp y học (thuật ngữ chỉ phẫu thuật chuyển giới). Việc thực hiện can thiệp là hoàn toàn tự nguyện, thể hiện quyền tự quyết của cá nhân. Trường hợp muốn can thiệp thì phải đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, đã điều trị nội tiết tố sinh dục liên tục trong thời gian một năm, trừ trường hợp phẫu thuật ngực từ nữ sang nam, có đủ sức khỏe về tâm thần và thể chất.
Dự thảo Luật phiên bản mới nhất có một vài điểm mới như: Người chuyển đổi giới tính được thay đổi hộ tịch theo luật định, có quyền tự quyết về can thiệp y tế, được giữ nguyên quan hệ cha, mẹ, con (về mặt giấy tờ), người chuyển đổi giới tính nam sau khi sinh con được hưởng chế độ thai sản,...
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế
Bà Elisa Fernandez - Trưởng đại diện UN WOMEN tại Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của Bộ Y tế Việt Nam trong việc xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính. Tuy nhiên, bà cũng khẳng định rằng "cần có thêm sự tôn trọng đến quyền của người chuyển giới ở tất cả các cấp trong cộng đồng" để họ được tiếp cận và tham gia các hoạt động một cách bình đẳng nhất.
Ảnh: Bà Elisa Fernandez - Trưởng đại diện UN WOMEN tại Việt Nam
Tại sự kiện, hai chuyên gia quốc tế là bà Alba Rueda, Đặc phái viên về Xu hướng tính dục và Bản dạng Giới của Argentina, bà Ahbina Aher, nhà hoạt động về quyền của người chuyển giới tại Ấn Độ đã có những chia sẻ về bài học, kinh nghiệm trong việc xây dựng và thi hành luật, chính sách liên quan tới người chuyển giới.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong việc xây dựng và thi hành Luật Bản dạng giới 2012 tại Argentina, bà Alba Rueda - Đại diện đặc biệt về Bản dạng giới của Bộ Ngoại giao Argentina đã đưa ra những góc nhìn mới mẻ và những điểm cần được quan tâm, ưu tiên trong dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính tại Việt Nam. Bà Alba cũng chia sẻ kinh nghiệm của đất nước mình trong việc xây dựng Luật Bản dạng giới với một số quy định nổi bật.
Bà Abhina Aher, Nhà hoạt động về quyền của người chuyển giới tại Ấn Độ tại buổi tọa đàm đã trình bày về các chính sách bản dạng giới ở nước này, trong đó phải kể đến việc quy định toilet riêng cho người chuyển giới và các gia đình bị cấm kỳ thị trẻ em chuyển giới dưới 18 tuổi. “Năm 2014 lần đầu tiên giới tính thứ ba được công nhận về mặt pháp lý ở Ấn Độ. 5 năm sau (năm 2019) thì có điều luật bảo vệ cho người chuyển giới, với luật này những người kỳ thị người chuyển giới có nguy cơ bị tù trong 2 năm.”, Bà Abhina nói thêm.