MƠ
Tuổi thơ
Chị được sinh ra và lớn lên ngay tại Thủ đô, ở quanh khu vực chợ Mơ. Ngay từ khi sinh ra, chị đã không được biết bố chị. Mẹ cũng không nói cho chị rằng bố chị là ai. Mẹ chị mượn họ của một người bạn tốt để đặt cho chị. Mới đầu, chị còn được ở cùng với mẹ ở Hà Nội, nhưng do cuộc sống còn nhiều khó khăn, mẹ chị quyết định đưa chị về quê ở Bắc Giang cho ông bà ngoại chăm sóc. Thời gian này chị cũng nhớ mẹ lắm. Mỗi lần mẹ về Bắc Giang, chị đều khóc và bảo mẹ đưa mình đi Hà Nội với mẹ. Cho tới một ngày, chị cứ bám mẹ mãi không buông, cũng chẳng biết làm sao, thế là mẹ chị đành đưa chị quay trở lại Hà Nội, lúc mà chị mới học hết lớp 1 ở Bắc Giang.
Hồi đó, Hà Nội khác bây giờ lắm, chợ Mơ lúc bấy giờ cũng mới chỉ là một khu vực trống để mọi người buôn bán, chứ chưa hiện đại như bây giờ. Khi đó nước mình vẫn còn đang ở trong thời kỳ bao cấp. Để nuôi chị, mẹ chị làm công việc buôn bán tem phiếu và bán nước mắm pha. Chị dành phần lớn thời gian ở quanh khu vực chợ Mơ. Chị và mẹ cũng không tìm được nơi ở ổn định cho mình, cứ loanh quanh ở khu vực Hồng Mai xin ở nhờ nhà người dân. Cuộc sống của chị lúc đó không đầy đủ, nhưng mẹ và chị thương nhau lắm! Mẹ chị cho chị đi học, tuy nhiên, do gánh nặng về kinh tế và khoảng cách từ nhà tới trường khá xa, nên chị cũng chỉ học xong hết lớp 3 rồi nghỉ học. Cho tới khi đất nước hết bao cấp, mẹ chị không còn buôn bán tem phiếu được nữa, chị và mẹ thường hay cùng nhau đi gánh nước và giặt quần áo thuê cho các hộ gia đình. Cứ mỗi đêm, chị và mẹ sẽ cùng nhau đi ra máy nước công cộng để gánh nước và giặt giũ. Chị vẫn nhớ, lúc nào đi làm, hai mẹ con cũng đều thương nhau khó, thương nhau mệt mà tranh nhau làm việc.
Khi chị 14 tuổi, mẹ con chị xin được ở nhờ cùng với “em kết nghĩa” của mẹ chị, người mà sau này chị thường gọi là Cậu. Cậu cũng là một người “máu mặt” trong vùng, nên thường chẳng ai dám bắt nạt chị. Lớn lên không có bố, nhiều lúc chị cũng tự hỏi bố mình trông thế nào, tên là gì, hiện tại ra sao. Chị coi Cậu như là bố. Đối với chị, tiếng “Cậu” bây giờ có ý nghĩa hơn tiếng bố rất nhiều. Cậu cũng mở một hàng Bàn Đèn Thuốc Phiện để cho những “dân chơi” hồi đó tới và sử dụng thuốc phiện. Xuyên suốt tuổi thơ của chị, việc thấy người khác sử dụng chất gây nghiện không phải là điều hiếm gặp.
Sử dụng chất và trại giam
Khi còn bé thì chị chưa biết sử dụng thuốc đâu. Chị cứ lớn lên như vậy, cho tới khi chị 16 tuổi, chị gặp được chồng cũ của chị. Anh thường hay lui tới căn nhà cạnh máy nước nơi chị làm việc để vui chơi và dùng thuốc. Bọn chị yêu nhau được 2 năm, sau đó kết hôn vào năm chị 18 tuổi. Chị kết hôn với anh không hẳn là vì yêu, mà là do chị sợ anh sẽ đánh chị nếu chị không đồng ý. Hồi đó, anh thường hay trộm xe đạp để nuôi chị. Kỷ lục của anh là được tận 27 chiếc xe trong 1 ngày cơ ấy. Chồng chị cũng sử dụng ma túy. Bọn chị về với nhau không được lâu. Cho tới năm 1996, anh bị bắt và lĩnh án tù. Không có anh, chị phải tự tìm cách nuôi sống bản thân mình. Khi còn bé, chị không được học hành đầy đủ, nên cũng chẳng kiếm được việc làm. Chị cũng không được thừa hưởng cái duyên buôn bán như mẹ chị. Bí quá, thấy ở quanh khu vực có nhiều người đứng bán ma túy, chị cũng làm theo họ. Ban đầu, chị mua thuốc Analgin về, làm thuốc giả để bán. Khi mà đã kiếm được đủ tiền rồi thì chị mua thuốc thật về để bán tiếp. Cứ buôn buôn bán bán như vậy, chị cũng dần dần sa vào nghiện ngập. Lần đầu tiên chị thử hút ma túy là ở một tụ điểm của dân ăn chơi. Thấy một nhóm thanh niên tụ tập để hút heroin, chị cũng tò mò xin họ cho thử. Lần đầu tiên thì nó khó chịu lắm, chị nôn thốc nôn tháo. Nhưng rồi dần dần, chị cũng bắt đầu sử dụng heroin thường xuyên hơn. Ở thời điểm này, chị cũng chỉ sử dụng một lần mỗi ngày. Hồi đó, mỗi ngày của chị đều chán chường, buồn bực lắm. Dùng heroin giúp chị có được động lực làm việc, dọn dẹp, chăm sóc cho nhà cửa của mình. Buôn heroin được nhiều tiền lắm, nhưng chị cũng chỉ dành phần lớn số tiền đó để thỏa mãn cơn nghiện của mình. Cho tới năm 1999, chị bị bắt và nhận án 9 năm tù. Cho tới tận lúc bị bắt, chị vẫn có rất ít hiểu biết về ma túy, cũng như về pháp luật của nhà nước về vấn đề này.
Thú thật, lần đầu tiên ở trong tù không thay đổi chị nhiều đến như vậy. Chị vẫn được phép nấu ăn ở trong trại. Thậm chí, chị còn yêu đương và có thai với một phạm nhân khác. Khi mà thai nhi được 5 tháng, được quản giáo và các người bạn trong đó khuyên bảo, chị quyết định phá bỏ. Lúc này, chị cũng vẫn còn liều lắm! Vì vậy mà chị không được giảm án. Chị ở trong trại giam cho tới năm 2007. Tới ngày cuối cùng ở trong trại, chị thậm chí còn lưu luyến môi trường này mà. Sau khi chị được về nhà, chị lại quay trở lại khu vực Hồng Mai và sống cùng với mẹ và gia đình nhà Cậu. Khi dành gần 9 năm thanh xuân ở trong trại giam, chị cũng đã cai được cơn nghiện của mình. Tuy nhiên, khi về, chị vẫn gặp những con người ấy, vẫn ở khu vực ấy, chị lại quay trở lại con đường buôn bán và nghiện ngập. Lần này, tình hình tệ hơn rất nhiều. Có thời điểm, chị phải sử dụng ma túy sau mỗi 2 tiếng để thỏa mãn cơn nghiện của mình. Trước kia, mẹ chị khi biết chị chơi ma túy cũng phạt và đánh chị nặng nề lắm. Nhưng, cho tới lần này, mẹ chị cũng đã không còn cách nào khác ngoài chấp nhận. Mẹ chị thậm chí còn nhờ chị để riêng một vài gói hàng cho Cậu chị sử dụng. Bây giờ nghĩ lại, nếu hồi đấy đặt một bát vàng và một bát ma túy ở trước mặt chị, chị chắc chắn rằng chị sẽ lấy bát ma túy. Vì lấy vàng có để làm gì đâu, cũng chỉ để mua thuốc chơi thôi. Có khi bảo mình làm hại người thân của mình vì ma túy thì chắc chị cũng sẽ làm. Vì lúc đó nghiện quá mà, mình không kiểm soát được hành vi của mình. Cái nghiện cũng khiến cho con người quên hết đi phép tắc và liêm sỉ. Hồi đó, để mà ngửa tay đi xin tiền để sử dụng ma túy thì chị cũng có thể làm. Cho tới năm 2009, chị bị bắt lần thứ 2.
Sự tỉnh thức
Lần này, do đã có tiền án, và lượng thuốc mình buôn bán cũng lớn hơn, nên chị nhận án 16 năm tù. Ở trại giam lần thứ hai, môi trường sống cũng phức tạp và khó khăn hơn rất nhiều. Tù nhân không được phép nấu ăn, và thức ăn cũng rất khó ăn. Ở trong đó, chị tiếp xúc với những tù nhân khác cũng liên quan tới ma túy. Cái nghiện nó khiến con người bết bát lắm. Có lần chị bứt rứt khó chịu trong người còn nghĩ đến việc chết quách đi cho rồi. Nhiều người đến cả việc đánh răng, rửa mặt, tắm gội người ra cũng lười. Ở cùng với những người như vậy, trong một môi trường thế, chị thay đổi rất nhiều. Một năm sau đó, mẹ chị cũng nhận án tù và ở chung trại giam với chị. Mẹ chị hồi đó lại thường hay cờ bạc, vay nợ. Khi mà bà bị đám người ở đó đòi nợ, bà sợ quá, chẳng biết kiếm đâu ra được mấy bánh heroin. Thế là bà mang tới công an phường, bảo họ bắt bà đi tù. Ngay cả ở trong tù, chị và mẹ cũng vẫn thương nhau lắm. Chị và mẹ đều cố gắng dành ra những thức quà mình có để đưa cho người còn lại. Khi mà mẹ chị vào trong trại cùng với chị, thì lúc này chị cũng đã hơn 30 tuổi rồi. Tới lúc này, chị mới tỉnh ngộ ra. Lúc này, chị mới nhận thấy được trách nhiệm của mình với mẹ, chị mới nhận thấy rằng mình không còn có đủ thời gian để làm lại, để tạo ra cho mẹ một cuộc sống tốt hơn nữa. Lúc này, chị mới nhận ra mình cần thay đổi cách mình sống, thay đổi cách mình suy nghĩ. Đối với chị, mẹ là người thân duy nhất. Ngoài hai mẹ con ra, mình còn có ai để dựa vào đâu?
Lần này thì chị quyết tâm thay đổi, quyết tâm cải tạo thật tốt. Dù lĩnh án 16 năm tù, nhưng chị được giảm án 5 năm, và lại hòa nhập xã hội vào năm 2020. Bây giờ, chị sợ lắm. Chị sợ cái cảnh tù tội, chị sợ phải quay trở lại môi trường đó. Hiện nay, chị cũng vẫn hay bị giật mình tỉnh giấc giữa đêm, vì mình mơ thấy mình ở trong đó, thấy những người bạn tù cũ. Chị cũng không ăn được mì tôm, cho dù có đói đến mấy, vì nó là món ăn mà chị đã ăn chán ngấy khi còn ở trong tù. Chị cũng cảm thấy may mắn rằng mẹ chị vẫn còn sống, đồng thời cũng cảm thấy hối tiếc vì mình chưa báo đáp được cho mẹ.
Hiện tại
Mẹ chị được tha trước chị 3 năm, bà về Bắc Giang ở cùng với em ruột của bà cho tới bây giờ. Cậu chị thì cũng đã mất vì sốc thuốc vào năm 2019. Sau khi về, chị cùng với người yêu chị quen trong tù cùng nhau sinh sống và làm việc ở Hà Nội. Bây giờ, chị cũng đã hòa nhập lại với xã hội. Từ khi mới ra tù, chị đi làm rất nhiều công việc. Chị chẳng được đi học, cũng chẳng có duyên buôn bán, nhưng chị có được sự chịu khó. Chị đi khắp nơi làm việc, rồi người này giới thiệu người kia. Có lúc, chị đi bán quần áo cho một tiểu thương ở chợ Đêm. Có lúc, chị lại đi làm phục vụ ở quán phở. Có khi chị lại đi chăm người bệnh ở bệnh viện. Chăm người bệnh vất vả lắm, nhưng chị thấy giúp được người ta, thấy ý nghĩa lắm. Bây giờ chị vui vì mình được tự do, tự do khỏi cảnh tù đày và cũng tự do khỏi cái nghiện. Vui vì mỗi khi muốn ăn gì, mình đều có thể tự mình mua và thưởng thức. Vui vì mình có một căn nhà nho nhỏ để về mỗi ngày. Chị thích về nhà sau mỗi ca làm việc mệt mỏi, bật tivi lên, nhiều lúc trên tivi cứ nói còn mình chẳng xem cũng chẳng nghĩ gì và ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Chị thích được nhảy múa, hát karaoke cùng với những người thân thiết. Hơn hết, chị vui vì chị không còn nghiện nữa. Cái nghiện nó hủy hoại thân thể và tinh thần của mình nhiều lắm. Những người bạn cùng trang lứa với chị, có những người đã mất vì sốc thuốc, có những người thì vướng phải không biết bao nhiêu bệnh tật vì ma túy, nào là HIV, nào là viêm gan, nào là cơ thể yếu dần đi vì xương và thịt bị ma túy tàn phá. Có những người thì lại đang ở trong môi trường giam giữ, tù tội cũng vì ma túy. Khi về, chị cũng có nghĩ tới ma túy chứ, nhưng mình lại tự nhủ với mình rằng, mình đã có lịch sử sử dụng rồi, nếu dùng tiếp thì không thể không tái nghiện.
Bây giờ, chị lại quay trở về khu vực Hồng Mai ấy để sinh sống, vì dù gì nơi đó cũng là cả tuổi thơ của chị, là nơi mà chị quen thuộc nhất. Ở đó còn có gia đình của Cô, thỉnh thoảng chị hay sang nhà Cô. Ở nhà Cô thoải mái lắm, chị như được là chính mình khi về nhà cô ấy. Trước chị ở Đê Tô Hoàng cơ, hồi đó có đợt chị bị ốm mà đêm đến chẳng biết nhờ cậy ai, một mình đi bộ vào bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Sau đấy cô vào thăm, trả tiền viện cho chị. Cho tới bây giờ, gia đình Cô vẫn như là người thân đối với chị. Mỗi năm, chị đều được cùng gia đình cô đi du lịch. Mỗi dịp Tết đến xuân về, chị đều dành thời gian thăm Cô và các em. Dù cho cuộc sống vẫn còn nhiều gánh nặng về tài chính, nhưng chị quyết không vì thế mà quay trở lại con đường cũ. Bây giờ chị chẳng cần nhiều tiền, vì mình có nghiện nữa đâu! Khi mà mình trở nghiện, thì tiền bao nhiêu cho đủ để thỏa mãn cơn nghiện của mình? Nhiều khi, Cô cũng cho chị tiền, mà chị thấy ngại lắm. Mình còn đủ tay chân, với mình cũng có nghiện nữa đâu mà lại ngửa tay xin tiền được của cô. Để nói về hối tiếc, thì chị cũng có nhiều hối tiếc chứ. Chị tiếc rằng chị không thể làm gì nhiều cho mẹ. Chị tiếc rằng mình đã quá tuổi để lập gia đình, sinh con. Đối với chị bây giờ, chị cũng không muốn có con cái. Chị sợ rằng chúng sẽ phải sống cuộc sống như chị. Đối với chị bây giờ, ước mơ lớn nhất là mình và mẹ mình có đủ sức khỏe, và mình sống mỗi ngày sao cho thật ý nghĩa.