Thiết kế bởi DragonBoyz
Poster thể hiện người đàn ông với những kí ức khó khăn và đen tối về quá khứ của bản thân
Những hình xăm xuất hiện với những mảng màu tối
Những mảng màu tươi sáng của bông hoa và những mảnh ghép thể hiện một tương lai tràn đầy hy vọng dù còn nhiều chông gai
HY VỌNG
Đấy đất đấy hỏng mà
Tôi là Nam*, sinh ra và lớn lên ở khu tệ nạn nổi tiếng ở Hà Nội. Xung quanh nơi đó là bao nhiêu loại tệ nạn, bảo kê, gái gú, nghiện ngập, cho vay nặng lãi. Khu đất đó kinh khủng ở Hà Nội thời những năm 70, 80. Hồi đấy mà nghe đến tên chỗ đấy là thôi rồi. Toàn dân hư, vi phạm pháp luật tụ tập hết vào nơi đấy. Đến cả giáo viên xuống đấy dạy học còn sợ, toàn phải rủ nhau về. Họ sợ, không dám nói nặng học sinh nào quá, sợ nó chặn đường. Nó cứ như cái chỗ nào tai tiếng, tệ nạn nhất ở Hải Phòng, chỗ tụ tập nghiện hút đồ ấy, thì nhà tôi ở Hà Nội như thế. Toàn mặt trái của Hà Nội nó ở khu đấy tất.
Trong nhà tôi còn một chị gái và một em gái nữa. Như đa số gia đình truyền thống Việt Nam, bố sẽ bênh con gái, và mẹ thường bênh con trai. Do đó, nhà tôi lúc nào cũng gần như hai phe. Cũng bởi bố mẹ có hai cách đối xử khác nhau nên tôi cư xử với bố và mẹ cũng khác nhau. Với mẹ thì tôi sống đúng với bản chất của mình luôn. Ở ngoài xã hội, có là ai đi chăng nữa nhưng về nhà vẫn rúc vào lòng mẹ nũng nịu. Kể cả đến lúc lấy vợ vẫn thế. Còn khi có mặt bố thì mình cố ương, đánh nhiều nên tôi ức. Tuy nhiên, bố mẹ tôi vẫn đặt khá nhiều kì vọng lên đứa con trai duy nhất trong nhà. Càng đặt nặng, tôi càng ngã. Vì đặt nhiều quá nên họ hà khắc, dạy bảo toàn bằng gậy, đòn gánh, ghế gỗ. Khi bố nghe thầy cô hoặc người ngoài phản ánh việc gì đó về tôi, thay vì nghe tôi giải thích thì ông đánh luôn. Hỏi được mấy câu là đấm đá, xong rồi lại đi làm. Như việc tôi thổi cơm khê, đáng nhẽ bảo mình từ từ, nhắc mình không được mải chơi thì ông về đấm tới tấp. Tôi là một đứa ưa ngọt, cứ đánh là tôi không sợ. Cách dạy bị sai là hỏng ngay. Nếu bố từng tâm sự với tôi về mong muốn của ông với tôi, có thể bây giờ tôi đã khác rồi.
Bố mẹ tôi, nhất là bố, luôn bận khi tôi còn nhỏ. Bố toàn bận công việc, chả để ý, chả biết tính cách tôi như nào. Mang tiếng là con thật, nhưng có bao giờ ông trông tôi đâu. Cũng chả trách được vì ông bà bận suốt, đầu tắt mặt tối vì lo cho các con. Đi từ 4 giờ sáng đến 11 giờ đêm về, nên cũng chẳng trông con được. Thế nên tôi ra đường, nghịch ngợm, chơi với ai ông cũng chả biết. Nên mới trượt dài từ nhà trường ra xã hội.
“Đi trại cũng không sợ bằng đi học”
Từ hồi học lớp một, tôi đã sợ đến trường. Cũng không biết vì sao. Mỗi lần kiếm tra sợ lắm. Mỗi lần gọi đến mình gần như không đứng dậy nổi. Mà càng sợ thì hay bị gọi. Lắm lần giả vờ giơ tay bị gọi đúng luôn, lên một phát 0 điểm, còn bị mời phụ huynh. Hồi bé ai bảo làm việc nặng thì tôi thích, chứ bảo viết chữ là sợ, không thể vào đầu được. Hồi còn đi học tôi bỏ học suốt, phải chuyển trường 4 lần, xong còn bị đuổi. Có lần tôi đánh thầy giáo dạy thể dục vì bắt tôi chạy giữa trời nắng, trường cho nghỉ học luôn, không nơi nào nhận nữa. Lúc đấy tôi mới 13 tuổi.
Chắc ông bà chẳng cần mình nữa
Rồi tôi bỏ nhà với mấy đứa bạn. Lần đầu tiên bỏ nhà đi mà cả lũ cứ đi bộ thôi, 3 thằng rủ nhau đi từ Hà Nội về quê, mà đường quê ngày xưa ngoằn nghèo, tối um. Hồi bé cứ về quê rồi bảo quả núi đây rồi, đi đến tận tối mà không biết đường về nữa. May gặp được cặp đôi, người ta mua bánh mì cho ăn, cho tiền xe về nhà. Đến gần nhà thì gia đình tìm ra, cả nhà lao vào đánh 3 thằng. Họ tìm cả ngày giời không thấy, phi về quê cũng không thấy. Nghĩ lại sợ thật, đi lạc cả đường
Bỏ nhà thì bỏ chứ vẫn mong có người đi tìm chứ. Lúc đầu sợ, mệt, nằm bờ nằm bụi, lại chỉ mong người nhà gặp, đánh cũng được. Đứa nào cũng chỉ muốn về nhà thôi, đi những 3-4 ngày rồi. Ăn không có, nằm rét, sợ nữa chứ, mệt mỏi. Đêm công an đi đuổi, sáng ra phải trả chỗ cho người ta bán hàng. Lang thang ở công viên, ra Bờ hồ ngồi chán chê. Đói quá đi ăn cắp thì chỉ dám lấy hoa quả buổi sáng, ăn hết thì trưa chiều đói. Lúc đấy, chỉ mong cả nhà đi tìm, bị đánh cũng được, về nhà nằm sướng lắm, ăn no. Nhưng cũng chỉ được thời gian lại rửng mỡ, lại đi. Lần nào cũng thế. Ông bà đi tìm nhiều quá, chán, sau bảo ‘Mày đi đừng có về nữa’. Hồi đấy nghe thế rồi tôi giận, lại đi tiếp.
Rồi từ đó mới hư. Hồi đấy chơi với nhóm đông lắm, tụ tập trên sàn nhảy. Từ sàn nhảy mới ra đua xe, rồi dính vào nghiện ngập. Cũng một thời oanh liệt đấy. Hồi đấy vẫn biết nguy hiểm chứ, nhưng mình sĩ, thích thể hiện. Người ta chết đầy trước mặt chỗ đường Bà Triệu ấy. Sợ được vài hôm xong lại tiếp túc, trốn nhà mang xe đi đua. Ngày đấy bố mẹ có để ý gì đâu, tưởng mình đi chơi với người yêu. Năm đấy tôi khoảng 15, 16 tuổi. Cứ thấy người ta vỗ tay ầm ầm là mình sướng, tuổi thích thể hiện mà. Ngày xưa còn trò mặc lẫn quần áo nhau, giày dép đi chung với nhau hết. Kể cả uống rượu cóc ngoài Bờ hồ cũng vui, đầm ấm, tình cảm. Ngày đấy chơi cũng tình cảm, không như bây giờ.
Rồi năm 16, 17 tuổi, nhà tôi khá giả hơn. Lại đúng cái tuổi đang lớn đấy, nên tôi cũng được chiều. Hồi đấy chỉ nhà nào giàu mới chơi thuốc được, kiểu chứng tỏ con nhà giàu đấy. Khi bố mẹ biết, họ can thiệp nhiều lắm. Họ còn mời thầy từ đâu về, hình như tận Lai Châu, cho uống mật rắn, rượu rắn, không thiếu thứ gì cả. Nhưng thử bao nhiêu lần, bao nhiêu năm, thuê cả người trông cũng không cai được. Sau mất cả vợ cả con vì nghiện đấy.
Thời đấy ít tuổi quá, không thể nào lương thiện được
Tôi gặp vợ mình lần đầu năm 16 tuổi. Hai nhà làm ăn với nhau xong gán ghép 2 đứa, trêu đùa thành thật. Rồi cô ấy có thai sớm nên bỏ ngang lớp 11. Hồi đấy hai nhà cũng giàu, nên cũng chiều, không cần phải lo về tài chính, hai gia đình lo hết rồi. Lúc đẻ con cũng không phải trông gì đâu, vì bố mẹ hai bên thích, còn tranh nhau trông cháu. Lúc con trai 2 tuổi, tôi còn đang đua xe ngoài bờ hồ. Hồi đấy trẻ quá, lại lấy vợ sớm. Lấy xong càng trượt dài. Có khi không lấy thì không trượt dài lắm ấy.
Tôi vào tù lần đầu năm 21 tuổi, sau đấy còn đi 2 - 3 lần nữa. Lúc vào trại, không ai là gì với tôi, tôi toàn làm đội trưởng. Nghịch thế mà các cán bộ vẫn quý, vì tôi thẳng tính, hay giúp đỡ những người khổ. Nhiều người án dài vào đấy, tôi cũng bảo được hết nên cán bộ quý lắm. Nhưng vì nghịch, bị cùm nát hết cả chân. Có lần ngồi mấy chục ngày giời, ăn ngủ tại chỗ luôn. Nằm thì không có gối, mà nằm ngửa thì đau hết cả chân.
Khi lên trại là chỉ đi học và làm thôi. Mỗi thứ bảy, chủ nhật hàng tuần lại phải đi học, người ta không cho thời gian chết để nghĩ linh tinh. Giờ người ta đánh về học thức là nhiều, giáo dục là nhiều, chứ cải tạo lao động ít lắm. Ngành nghề không vất như ngày xưa. Trước chỉ có lên bê đất thôi, khổ lắm nhưng mà quen rồi. Nên nghe đến đi học là tôi chối, chỉ muốn làm thôi. Lắm người yếu, không đi làm được, suốt ngày bị gọi đi học thôi. Trông còn sợ hơn là đi làm. Ngày nào học cũng ngồi viết 8, 9 tiếng liền, ngồi đau hết cả lưng.
Muốn giảm án thì bắt buộc phải học thuộc mấy chục điều nội quy, nó dài lắm. Hồi đấy vừa ra khâu bóng, vừa dán vàng mã, vừa làm mây tre đan xong tối về vẫn phải thức để học. Án thì toàn án dài, không giảm thì đến bao giờ về. Mà học có phải cầm giấy như này đâu, phải nhớ trong đầu, đọc ra vanh vách khi kiểm tra. Đứng trước hàng nghìn người thế, run chứ. Có phải ai đứng trước đám đông cũng bản lĩnh đâu. Tôi vẫn nhớ nhiều anh em lúc thử nhau đọc vanh vách lắm, mà khi đến kiểm tra thì chả nhớ được câu nào nữa. Thế thôi, không được giảm. Người ta kệ, cứ vừa đi làm vừa đi học. Hết một ngày học tập rồi làm việc mỗi người chạy theo một suy nghĩ riêng, chẳng ai nói chuyện với ai cả. Người thì uống chè, bàn công việc, người thì viết thư tay. Lại có người viết nhật ký. Họ viết như vậy rồi mười năm sau cầm cuốn nhật ký về xã hội là hết một đời. Họ trân trọng cái đó lắm.
Mỗi bận về cũng chỉ được vài năm thôi. Về mà xã hội khắt khe kì thị quá thì lại chán, rồi lại nghiện, lại đi tù. vì không có định hướng trong cuộc sống. Mọi thứ cứ như là vòng luẩn quẩn vậy, vào rồi lại gặp nhau trong đó. Có người vào tù mấy bận là gặp nhau hết. Lần đầu tiên vào tù thì không sao, đến lần thứ hai thì vợ ly dị. Tôi từng ước mơ gia đình sum họp, gia đình có vợ, con, hoa nở, một căn nhà mơ ước. Rồi mọi thứ tan biến hết! Không bao giờ có một gia đình như thế nữa! Vợ cũ tôi là gái Phố cổ mà, tuổi hai mươi đẹp thế, làm thế nào chịu được. Bố mẹ vợ nói sau này có con gái tôi sẽ hiểu. Tôi hiểu mà, nên bảo kí là tôi kí hết, để còn giải thoát cho người ta. Lắm người nghĩ thiển cận, người ta về người ta trả thù, tôi chẳng bao giờ làm thế. Vợ là vợ. Do mình chơi bời, nghiện ngập thôi. Nói vậy chứ mình cũng chán, cũng buồn lắm. Không khóc mà nước mắt cứ chảy, ướt hết cả gối. Thức trắng mấy đêm. Các em ở cùng pha sữa cho uống mà tôi cũng chả thiết tha gì cả. Mùa rét mà cái chăn gần như ướt sũng, toàn nước mắt của mình, nghẹn ngào, không tin ý. Mối tình đầu bao nhiêu là cái đẹp!
Nhiều thứ, mỗi thứ một tí, nó giúp mình vượt qua, không cứ ở một cái gì cả
Những ngày ấy gia đình tôi lên thăm liên tục. Bố thăm tôi nhiều nhất. Ông còn đưa con trai tôi đi cùng. Ngày xưa đường xấu, bẩn, không đẹp như bây giờ, lại còn sỏi đá, lên được đến nơi nhiều khi ngã sõng soài, bẩn cả hai ông cháu. Ông nói nhiều. Ông khóc. Đấy là lúc tôi mới nhận ra ông thương mình nhiều như thế nào. Ông không bao giờ thể hiện, nên lúc nhỏ tôi không cảm nhận được. Tôi nghẹn ngào, không nói được câu nào luôn. Giá mà ông nói ra những điều này sớm hơn.
Lần này về, tôi hạ quyết tâm không đi nữa. Tuổi tác chẳng còn ít, lần này mà đi nữa là hết đời. Bố mẹ thì già yếu. Bố mẹ mất mà tôi ở trong tù thì day dứt, ân hận lắm. Còn con trai tôi nữa, tôi chỉ mong nó ngoan ngoãn, có sức khỏe, công việc đều là được. Tôi chấp nhận đổi 10 - 15 năm tuổi thọ để nó được như thế. Rồi còn người phụ nữ bên cạnh mình bây giờ nữa, mỗi thứ một tí, nó giúp mình vượt qua. Ông trời run rủi để bây giờ nhìn đi nhìn lại, cuộc đời mình vẫn cứ là may mắn.
Ở đây chào đón hết!
Mới ra tù lạc lõng vô cùng. Hà Nội thay đổi nhanh chóng mặt, cứ vài năm tù về là gần như không biết gì nữa. Máy bán hàng còn không biết nhét tiền vào kiểu gì. Cứ thế mãi rồi cũng đâm ngại, không muốn ra đường. Những chỗ thân thiết thì thôi, không sao, chứ lắm chỗ quan cách người ta để ý. Không nói bằng lời đâu, nhưng khuôn mặt nó thể hiện ra hết, tôi không thích. Cái mặc cảm làm mình tự thu mình vào, làm gì cũng chỉ lầm lũi một mình. Ra trại một năm thì biết đến một chỗ làm, nhưng mà họ bắt mình phải bịt kín cả người, nóng cũng phải mặc. Kì thị nhau quá nên tôi chán, không muốn làm, rồi bỏ. Kể cả bây giờ đi đâu mới là tôi hay mặc quần áo dài tay, vì cái ấn tượng ban đầu là quan trọng lắm. Đấy là bây giờ luôn nhé, khi mà cách nhìn về xăm đỡ hơn nhiều rồi. Sau đó mới đến công việc hiện tại, ban đầu người ta cũng ngại gần, nhưng sau người ta hiểu tính, cũng nhiệt tình nên hay hỏi han này nọ. Người ta hỏi thôi chứ mình cũng ngại, mặc cảm mà. Mình làm để có cái ăn cái mặc, có tiền để có chỗ chui ra chui vào. Phần còn lại tôi dành cho các công việc cộng đồng. Tổ chức cộng đồng mà tôi đang làm vui lắm. Ở đây mình hoà đồng, được sống thoải mái, chứ không phải giữ, cũng không phải mặc áo dài tay để che đi những hình xăm của mình. Những ai mới về, xuống tinh thần, tiền không có, việc làm lại càng không, chúng tôi chào đón hết. Ở đây có nhiều người lúc đến còn chán đời hơn mình, họ đến để vực nhau ra. Không có nơi này, đúng là bao nhiêu con người không biết phải đi đâu về đâu. Đi về bất mãn, rồi tự kỉ với xã hội, sinh ra nhiều chuyện. Nhiều người về lại gặp nhiều biến cố, hai bàn tay trắng, rồi bị kì thị, họ không biết đi đâu được hết. Bộc phát một cái thì khó nói lắm.
Cách đây 1 năm, tôi mới suy nghĩ là phải học chấp nhận, bằng lòng với thực tế. Ngừng nghĩ về quá khứ, nghĩ về tất cả những gì tôi đã mất, là phải lấy lại nó cho bằng được. Bao nhiêu lần trượt dài, mọi thứ tôi làm để rồi bị bắt cũng đều chỉ vì cái ám ảnh ấy. Không được rồi lại nghiện ngập, chán nản, tiếc nuối, tự đổ lỗi cho bản thân, không chấp nhận nổi thực tại. Tôi cũng còn may mắn hơn người khác, sức khoẻ vẫn còn, thôi thì sống thật tốt là được rồi. Mình cứ lương thiện, giữ được năm nào hay năm đó. Lắm lúc trong người có 50.000 đồng mà nhìn bà cụ lê lết ngoài đường mình sẵn sàng đưa 20.000 đồng, mình có nghĩ gì đâu, cứ làm bằng cái tâm của mình. Tôi chả còn gì ngoài danh dự, chỉ sợ người ta coi thường thôi.
Ai chả mong tương lai của mình là màu hồng. Cái gì cũng có giá của nó, ngày xưa phạm pháp, kiếm tiền nhạt toẹt nhưng mình không biết trân trọng. Giờ tôi mới biết kiếm đồng tiền khó khăn, vất vả như thế nào. Tôi chỉ mong có căn nhà nhỏ, hai vợ chồng sống với nhau là được. Với người khác điều này có thể chẳng là gì, nhưng với mình thì là ước mơ quá lớn.
*Tên nhân vật đã được thay đổi