VHO - Mặc dù đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong kiểm soát bệnh lao nhưng Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất trên toàn cầu. Hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống lao, Việt Nam khẳng định những nỗ lực cam kết, đầu tư, hành động ở mức cao nhất trong công tác phòng chống lao.
Phát hiện mắc bệnh lao từ khám sàng lọc tại cộng đồng
Trong chuyến công tác cùng Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) tìm hiểu về công tác phòng chống bệnh lao tại tỉnh Nghệ An, bác sĩ Hồ Sơn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nam Đàn chia sẻ, sau dịch Covid-19, cuộc sống trở về bình thường, người dân ít quan tâm đến sức khoẻ hơn. Kết quả là qua khám, sàng lọc miễn phí tại cộng đồng số người mắc lao trên địa bàn tăng khá bất ngờ.
Ảnh: Thăm gia đình một bệnh nhân mắc bệnh lao tại Nghệ An
Một trong những người được phát hiện lao khi đi khám, sàng lọc theo chương trình của SCDI là anh T.V.S (xã Xuân Hoà, huyện Nam Đàn).
Anh cho biết, do nghiện thuốc lá từ thời trẻ, thỉnh thoảng anh cũng có đi kiểm tra sức khỏe theo các chương trình ở địa phương nhưng không thấy có vấn đề gì. Thế rồi, đến đầu năm 2023, thỉnh thoảng anh bị mệt lả người nhưng chỉ nghĩ do lao động vất vả, đuối sức chứ không nghĩ bản thân mắc bệnh gì.
Sau đó, có đợt khám sàng lọc chuyên sâu và nhiều lần xét nghiệm cho kết quả dương tính, bác sĩ thông báo anh mắc bệnh lao. Cố gắng tuân thủ y lệnh của bác sĩ suốt 9 tháng điều trị, kết quả xét nghiệm của anh đã âm tính trở lại.
"Tôi vẫn phải duy trì thuốc sau đó. Mới đầu biết mình bị lao, anh ngại nói chuyện với hàng xóm, bạn bè vì sợ bị xa lánh kì thị. Tuy nhiên, hàng xóm nay đều đã hiểu và thông cảm với anh, thường xuyên thăm hỏi và giúp đỡ", anh T.V.S chia sẻ.
Còn ông N.V.T (xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn) đang điều trị HIV/AIDS nên được bác sĩ quan tâm mời tới khám, sàng lọc lao tại cộng đồng. Kết quả, ông T được phát hiện mắc bệnh lao…
Theo các bác sĩ, do hệ miễn dịch yếu nên nhiều bệnh nhân đồng nhiễm các bệnh lây truyền như lao, HIV, viêm gan C. Do đó, quá trình điều trị cũng cần sự phối hợp và kiên trì, tránh việc bệnh nhân bị kì thị.
Các bác sĩ cho biết, lao là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với khả năng lây lan trong cộng đồng cao. Do đó, việc phòng, chống lao dựa vào cộng đồng được xem là yếu tố bền vững để tiến đến đích trong việc thanh toán bệnh.
Nhiều năm qua, người dân không mấy quan tâm đến bệnh lao, thậm chí nhiều người bị mắc lao không biết mình mắc lao, nên nguy cơ lây lan ra cộng đồng là khá cao. Vì vậy, việc sàng lọc lao tại cộng đồng có ý nghĩa rất lớn.
Trung tâm SCDI bắt đầu thực hiện các hoạt động phòng, chống lao từ năm 2017 với dự án đầu tiên tại tỉnh Hải Dương (thông qua Chương trình Chống lao Quốc gia do Quỹ Toàn cầu tài trợ).
Từ năm 2021, các hoạt động phòng, chống lao do SCDI triển khai đã có mặt tại tại hơn 10 tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Nghệ An, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh. Trong năm 2023, SCDI tập trung tại 7 tỉnh, thành phố là Hải Dương, Thái Bình, Nghệ An, Bình Phước, Đắk Lắk, Gia Lai và TP Hồ Chí Minh.
Hiện nay, SCDI phối hợp cùng các bệnh viện lao, các trung tâm y tế và hệ thống Cộng đồng chấm dứt bệnh lao đã tổ chức sàng lọc lao cho hơn 66.500 người thuộc các nhóm nguy cơ mắc lao cao.
Trong đó giúp phát hiện gần hơn 650 trường hợp mắc lao hoạt động, trong đó hơn 500 bệnh nhân được điều trị miễn phí và hơn 1.200 trường hợp nhiễm lao tiềm ẩn được theo dõi, điều trị...
Nỗ lực ở mức cao nhất trong công tác phòng chống lao tại Việt Nam
Ảnh: Người dân quận Gò Vấp (TP. HCM) xếp hàng tham gia sàng lọc lao tại cộng đồng
Ngày 24.3 hằng năm được chọn là Ngày thế giới phòng chống lao, chủ đề của năm nay là “Yes! We Can End TB: Commit, Invest, Deliver”, nhấn mạnh tầm quan trọng của cam kết bền vững, đầu tư nguồn lực và hành động hiệu quả các biện pháp can thiệp quan trọng đối với công tác phòng ngừa, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh lao.
Tại Việt Nam, những năm qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến công tác phòng chống lao được thể hiện thông qua sự cam kết mạnh mẽ trong công tác phòng chống bệnh lao với nhiều chính sách và hành động cụ thể.
Đặc biệt là Công điện số 25/CĐ – TTg của Thủ tướng chính phủ về việc tăng cường công tác phòng chống lao ngày 25.3.2024 đã đẩy mạnh hoạt động phòng chống lao trên toàn quốc.
Kết quả là năm 2024, Chương trình chống lao quốc gia đã đạt được kết quả tốt nhất từ trước đến nay với số bệnh nhân lao được phát hiện hơn 113 nghìn ca (tăng 7% so với năm 2023). Trong đó, tỉ lệ bệnh nhân lao có bằng chứng vi khuẩn trên 72%, tỉ lệ điều trị thành công đạt 89% (cao hơn tỉ lệ này trên toàn cầu - mức 88%).
Mặc dù vậy, tình hình dịch tễ bệnh lao tại nước ta còn rất nặng nề, Tổ chức Y tế thế giới ước tính Việt nam có khoảng 182.000 bệnh nhân lao mới; 9.900 bệnh nhân lao kháng thuốc và có khoảng 11.000 người tử vong do lao hàng năm.
Năm 2023 Việt Nam đứng thứ 12/30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới và đứng thứ 10/30 quốc gia có số lượng bệnh nhân lao kháng thuốc cao nhất toàn cầu.
Trên cơ sở chủ đề Ngày thế giới phòng chống lao, chủ đề của Việt Nam năm 2025 là: "Việt Nam cam kết, đầu tư, hành động để chấm dứt bệnh lao" nhằm khẳng định những nỗ lực ở mức cao nhất trong công tác phòng chống lao tại Việt Nam.
Tuy nhiên, để đạt mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, TS.BS Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho rằng, cần đưa chương trình đào tạo về bệnh lao là một phần nội dung bắt buộc trong các trường đào tạo nhân lực y khoa để các thầy thuốc có sẵn kiến thức về bệnh lao trong quá trình hành nghề.
Khi cấp giấy phép hành nghề/chứng chỉ hành nghề, cần có nội dung về kiến thức, quy trình khám phát hiện lao để các bác sĩ có đủ kiến thức thực hiện sàng lọc lao cho tất cả người dân đến khám bệnh.
Đồng thời, mở rộng, tăng cường khám phát hiện chủ động lao gắn liền với y tế cơ sở trên toàn quốc. Các cơ sở y tế phải sàng lọc lao lồng ghép trong khám chữa bệnh thường quy.
Cũng theo TS.BS Đinh Văn Lượng, tuyến y tế cơ sở khám chữa bệnh ban đầu gắn thông tin sàng lọc lao vào sổ sức khỏe điện tử. Nâng cao chất lượng mạng lưới chẩn đoán lao bằng sử dụng rộng rãi xét nghiệm Xpert.
Đặc biệt, phối hợp với các đối tác tăng cường mở rộng sàng lọc phát hiện bệnh lao trong khu vực trại giam, khu công nghiệp, khu chế xuất, và các cơ sở y tế tư nhân.
Vận động chính sách để yêu cầu việc sàng lọc bệnh lao phải là một cấu phần bắt buộc của khám sức khỏe định kỳ trong các khu công nghiệp...
Theo Quỳnh Hoa - Báo Văn Hóa